Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam": Trước yêu cầu đưa nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững, giải quyết tốt an sinh xã hội, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tổ chức cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Mục đích của cuộc vận động nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cuộc vận động là đẩy mạnh công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động, làm cho người tiêu dùng trong nước và ngoài nước nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Rà soát, ban hành bổ sung luật pháp, cơ chế, chính sách bảo vệ thị trường người tiêu dùng trong nước, sản xuất trong nước không trái với các quy định của WTO. Kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn ngân sách quốc gia; hỗ trợ các doanh nghiệp trong tổ chức điều tra, khảo sát thị trường, người tiêu dùng, mạng lưới phân phối, tổ chức hội thảo, triển lãm, hội chợ sản phẩm hàng hóa của người Việt Nam; hỗ trợ đưa hàng Việt Nam về bán ở nông thôn, tăng cường hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, nông thôn. Sản xuất hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế; công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sản xuất và hàng ngoại nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cuộc vận động không phải là để bảo vệ người sản xuất cũng không phải chủ trương bảo hộ hàng hóa trong nước mà chính là vận động toàn xã hội hướng đến tinh thần yêu nước và khích lệ tinh thần vươn lên, cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Xác định tầm quan trọng của cuộc vận động Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện Cuộc vận động tới đoàn viên, CNVCLĐ. Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh đã lồng ghép cuộc vận động trong xây dựng triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn. Kết quả hoạt động năm 2017, có 100% LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, Công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức và 95% công đoàn cơ sở triển khai tuyên truyền đến đoàn viên, CNVCLĐ; các cấp công đoàn lồng ghép tuyên truyền trên 500 cuộc tới 15.000 lượt đoàn viên, CNVCLĐ với những hình thức thiết thực như: thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, sinh hoạt công đoàn, tổ chức tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, hội thảo, hội thi, tại các lễ hội, hội chợ, các đợt đưa hàng về nông thôn... Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, "Lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; đầu tư công nghệ sản xuất mới, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của các vùng trong tỉnh để sản xuất ra các sản phẩm, hàng hoá có chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn, giá thành hạ, được người tiêu dùng và thị trường chấp nhận; gắn cuộc vận động với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, quan liêu và các tệ nạn xã hội. Tuyên truyền các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng cải tiến sản xuất đưa ra thi trường nhiều sản phẩm có chất lượng, mẫu mã phong phú, giá cả phù hợp với người tiêu dùng. Đồng thời vận động các doanh nghiệp có chương trình khuyến mại, giảm giá, giới thiệu sản phẩm mới, nhằm thu hút sự chú ý tham gia của người tiêu dùng và CNVCLĐ trong toàn tỉnh. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, CNVCLĐ về cơ hội, thách thức, sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như nội địa đối với các sản phẩm hàng hóa Việt Nam; về khả năng sản xuất kinh doanh của cơ sở, doanh nghiệp, vai trò, trách nhiệm các doanh nghiệp Việt Nam về nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; nâng cao uy tín của doanh nghiệp Việt Nam, từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam…. Hàng năm LĐLĐ tỉnh đã lựa chọn, lập hồ sơ, giới thiệu các doanh nghiệp tiêu biểu tham gia bình chọn xếp hạng theo chương trình của cấp trên và Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp tổ chức. Vận động đoàn viên, CNVCLĐ tích cực tham gia kiểm tra, giám sát, đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng; đấu tranh chống hành vi vi phạm pháp luật như: gian lận thương mại, vận chuyển hàng hoá nhập lậu qua biên giới, buôn bán hàng hoá kém chất lượng... góp phần quan trọng vào thành tích chung của toàn tỉnh trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động "người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc trong sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam, góp phần giữ vững ổn định sản xuất, đẩy mạnh kinh tế xã hội địa phương bảo đảm theo hướng phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động còn có những hạn chế: Công tác phối hợp tuyên truyền giữa công đoàn với các ngành chức năng còn hạn chế. Việc tuyên truyền vận động, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng hóa nhất là sản xuất sản phẩm hàng hóa tiêu dùng chưa được quan tâm đúng mức; việc xây dựng thương hiệu hàng hóa trong tỉnh, công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế; chất lượng của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ chưa cao, giá cả chưa hợp lý.
Để tiếp tục thực hiện Cuộc vận động đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới các cấp Công đoàn trong tỉnh cần phối hợp triển khai tốt các nhiệm vụ: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Kết luận số 107-KL/TW, ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Quyết định số 364-QĐ/TTg, ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014-2020. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động CNVCLĐ nhận thức rõ những thuận lợi, cơ hội và những thách thức khi tham gia Hiệp định thương mại tự do. Vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng chiến lược quảng cáo, tiếp thị sản phẩm để đưa hàng hóa thương hiệu của tỉnh đến với người tiêu dùng. Phối hợp với các ngành thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động cấp tỉnh, các sở, ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cuộc vận động; tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, CNVCLĐ, lồng ghép nội dung về chủ trương ưu tiên dùng hàng Việt Nam, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân, đơn vị thực hiện tốt Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Vũ Thị Tươi - LĐLĐ tỉnh