Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, việc quan tâm đến gia đình là đúng vì: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp, phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại, vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Đ/c Vũ Đức Đam - Phó thủ tướng Chính phủ phát biểu tại HN biểu dương GĐ (Ảnh tư liệu)
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả thiết thực, ngày 28/02/2014 Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành kế hoạch số 18/KH-TLĐ triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và Chương trình hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, tổ chức các hoạt động nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6 hằng năm. Hằng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh Điện Biên đều ban hành văn bản hướng dẫn các LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành, công đoàn cơ sở trực thuộc tổ chức các hoạt động hưởng ứng thiết thực, thông qua công tác tuyên truyền về lịch sử, ý nghĩa, phối hợp tốt với các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có nhiều hoạt động thiết thực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng xã hội, hướng tới mục tiêu và hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc tạo ra môi trường sống, làm việc tốt hơn. Thường xuyên phát động phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" đã được các cấp công đoàn và CNVCLĐ đăng ký phấn đấu, hàng năm kết quả đạt từ 90% trở lên các danh hiệu thi đua. Năm 2016 Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thực hiện công tác xây dựng gia đình CNVCLĐ giai đoạn 2011-2015, tiếp tục đề ra mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2016- 2020, biểu dương khen thưởng 30 nữ CNVCLĐ có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng gia đình nữ tiêu biểu...
Đ/c Hoàng Ngọc Vinh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trao thưởng cho gia đình nữ CNVCLĐ tiêu biểu
Thực tế đã khẳng định: Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng giáo dục nhân cách con người, nuôi dưỡng đời sống vật chất, tinh thần, che chở nhau lúc ốm đau, hoạn nạn, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đồng thời khẳng định rõ vị trí, vai trò của gia đình là cái nôi, là nơi sinh ra mỗi con người, là mảnh đất đầu tiên để nảy mầm và phát triển nhân cách, là cội nguồn của tất cả tình cảm buồn vui, từ khi con người chào đời cho đến suốt cuộc đời mỗi chúng ta đều tìm thấy ở gia đình sự đùm bọc về vật chất và tinh thần; do vậy, mỗi quốc gia mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc bảo vệ gia đình. Chúng ta cần xác định rõ việc đặt gia đình ở vị trí ưu tiên số một thì có thể cải thiện, củng cố được tình cảm yêu thương, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình; mỗi con người, ai cũng cần có một gia đình ấm áp, một mái nhà bình yên để trở về sau những giờ lao động mệt nhọc, những lo toan đời thường để được nghỉ ngơi, được chăm sóc, yêu thương. Gia đình hạnh phúc là một gia đình có nếp sống văn hoá thực sự, được sống hòa thuận, bình đẳng, vợ chồng luôn thương yêu nhau, tôn trọng, tin tưởng và hiểu biết về nhau, có trách nhiệm với nhau, chung thủy, với phương châm "sống vì nhau, sống cho nhau", cùng tạo điều kiện cho nhau tiến bộ, biết nâng cao cuộc sống gia đình bằng phát triển kinh tế gia đình biết làm giàu chính đáng, hợp pháp. Con cái chăm ngoan, khoẻ mạnh, các thành viên trong gia đình biết giúp đỡ nhau mọi mặt, biết chia sẻ cho nhau những buồn vui trong cuộc sống.
Để có một gia đình hạnh phúc cần phải có sự hiểu biết, có đức hạnh và cả nghệ thuật. Muốn thành công, trước hết chúng ta phải đặt gia đình lên trên tất cả. Bên cạnh đó, mỗi thành viên trong gia đình phải có ý thức chăm lo cho gia đình và coi trọng lợi ích của người thân hơn cả lợi ích bản thân. Với những mục đích chính đó là: "Phải thực sự yêu thương lẫn nhau; Phải thực sự hiểu nhau và biết chiều nhau; Phải tôn trọng, nhường nhịn lẫn nhau và phải có lòng vị tha, nhân hậu, luôn giành thời gian cho gia đình; Cần phải có sự tổ chức quản lý trong gia đình, phân công, sắp xếp công việc cho từng thành viên trong gia đình thật hợp lý; Phải có mối đoàn kết, gắn bó giữa gia đình và xã hội, quan hệ xóm giềng, bạn bè, làng xóm, phố phường; Thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc con tốt, phòng chống bệnh tật; Thực hiện nghiêm chỉnh Luật hôn nhân và gia đình, sống và làm việc theo pháp luật của Nhà nước, có lối sống lành mạnh, trung thực, nhân ái, thuỷ chung; Hiểu biết về tâm sinh lý, cá tính của các con để uốn nắn, dạy bảo một cách linh hoạt, khoa học để có những người con khoẻ mạnh, có giáo dục". Từ ngàn xưa ông bà ta đã nói "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", điều quan trọng đặt ra đó chính là "hạnh phúc gia đình", vấn đề này từ lâu đã là đề tài muôn thưở của con người, của gia đình và đời sống xã hội; Hạnh phúc theo nghĩa thông thường nhất chính là việc gì có tác động tốt đối với con người, là đích đến trong cuộc đời của mỗi người. Dù ở giai đoạn lịch sử nào, con người luôn trên hành trình đi tìm hạnh phúc. Từ năm 2012, Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 20/3 hàng năm là “Ngày Quốc tế Hạnh phúc”, là một trong những chỉ tiêu phát triển toàn cầu, là biểu tượng cho sự hài hòa, cân bằng của vũ trụ, là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc, thông qua các chính sách, pháp luật và việc thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đảm bảo an sinh xã hội, để phản ánh nhân rộng gương người tốt, việc tốt, những việc làm thiết thực, những kinh nghiệm, mô hình hay về các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc; phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình; khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng, luôn hành động vì mục tiêu: "Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; Hãy tạo ra một môi trường sống, làm việc tốt hơn; Hãy để tình yêu thương sưởi ấm ngôi nhà bạn; Tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ là bí quyết gìn giữ hạnh phúc gia đình”... Chính vì vậy, trong mỗi gia đình các vật dụng nên sắp đặt khoa học, bài trí đẹp mắt, tạo sự gần gũi, ấm cúng, những bữa cơm ngon miệng, hợp lý sẽ thường xuyên mang lại cho các thành viên trong gia đình sự thoải mái và hạnh phúc. Do đó, việc giữ gìn và phát huy các chuẩn mực gia đình là việc làm thường xuyên trong mỗi gia đình của chúng ta, mà nền tảng của gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc chính là văn hoá gia đình, các giá trị văn hoá gia đình cần thường xuyên được coi trọng, được nuôi dưỡng, vun đắp để các giá trị ấy luôn tồn tại, giữ vững, ngày càng phát triển. Ngày nay trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vai trò của gia đình có ý nghĩa hết sức quan trọng; việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là tiền đề, để cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội. Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.
Mai The - LĐLĐ tỉnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn