Từ ngày 29-31/5/2023, Đoàn giám sát Liên đoàn Lao động tỉnh do đồng chí Lầu Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh làm trưởng đoàn, cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban Dân chủ Pháp luật - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Chính sách Pháp luật & QHLĐ Liên đoàn Lao động tỉnh đã tiến hành làm việc với 05 doanh nghiệp: Công ty cổ phần Cấp nước Điện Biên, Công ty cổ phần xi măng Điện Biên, Công ty TNHH Quản lý Thủy nông, Công ty cổ phần Chế biến Nông sản Điện Biên, Công ty CP Môi trường đô thị & Xây dựng Điện Biên.
Trong 03 ngày làm việc, đoàn đã tập trung giám sát những vấn đề liên quan đến đảm bảo việc làm, tiền lương, thu nhập, bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động; việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc, việc ký kết TƯLĐTT, bữa ăn ca các vấn đề khác có lợi cho người lao động ngoài những quy định của pháp luật.
Qua giám sát, các doanh nghiệp cơ bản đã phát huy tốt vai trò trong công tác tham gia thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, việc tổ chức hội nghị người lao động, tham gia xây dựng nội quy lao động, điều kiện sản xuất kinh doanh, phát huy vai trò đại diện tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, công đoàn đã tham gia tích cực với chủ sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động, đối thoại với người sử dụng lao động, kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện để kiến nghị, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Đoàn giám sát làm việc tại Công ty cổ phần Xi măng Điện Biên
Phát biểu kết luận các buổi giám sát, đồng chí Lầu Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát đã ghi nhận sự cố gắng và kết quả đạt được việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, việc tổ chức hội nghị người lao động, việc tổ chức đối thoại, xây dựng ký kết TƯLĐTT, thực hiện bữa an ca cho người lao động. Đồng thời đồng chí Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhấn mạnh: "Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, tổ chức hội nghị người lao động, việc thương lượng và đại diện người lao động ký kết TƯLĐTT với các điều khoản có lợi hơn cho người lao động là những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn, mang đến lợi ích cho người lao động. Qua đó, đồng chí đề nghị trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, Ban Chấp hành CĐCS tại các doanh nghiệp cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Công đoàn trong thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện. Tổ chức các lớp tập huấn để rèn luyện kỹ năng đối thoại, thương lượng, đàm phán, ký kết; chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động cũng như việc thực hiện thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT ở các doanh nghiệp... đảm bảo có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Lan Hương - Ban Chính sách Pháp luật & QHLĐ