Những năm qua, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới trong cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh Điện Biên có nhiều chuyển biến tích cực; góp phần cùng đảng bộ, chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.
Trung Tá Nguyễn Thanh Hảo - Phó Trường phòng Phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc Công an tỉnh tuyên truyền luật phòng, chống ma túy cho đoàn viên, CNVCLĐ năm 2022 (Ảnh Trần Nga)
Hiện nay, Liên đoàn Lao động tỉnh Điện Biên quản lý 13 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (10 Liên đoàn Lao động huyện, thị xã, thành phố; 03 Công đoàn ngành: Y tế, Giáo dục, Viên chức tỉnh) với 33.531 CNVCLĐ; 30.954 đoàn viên công đoàn, trong đó nữ: 17.233 người; sinh hoạt tại 955 CĐCS (trong đó có 911 CĐCS thuộc khu vực HCSN, 44 CĐCS doanh nghiệp); Phối hợp quản lý 2.460 CNVCLĐ, trong đó 2.457 đoàn viên, sinh hoạt tại 14 CĐCS trực thuộc Công đoàn ngành trung ương đóng tại địa phương.
Để phát huy vai trò của CNVCLĐ trong thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới, ngày 26/04/2018 Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và Công an tỉnh đã ký Chương trình phối hợp số 50/KHPH-CAT-LĐLĐ về phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh trật tự.
Hằng năm, các cấp công đoàn thường xuyên tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Công đoàn các cấp đến đoàn viên, CNVCLĐ.
Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để hướng dẫn tuyên truyền công tác phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội gắn với việc tổ chức cho 100% cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ ký cam kết không vi phạm các tệ nạn xã hội, đảm bảo ANTT, thực hiện văn hóa giao thông và an toàn khi tham gia giao thông.
Tăng cường tuyên truyền trong cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Lễ, Tết Nguyên đán trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức ký giao ước thi đua, đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không có người mắc các tệ nạn xã hội. Đồng thời duy trì hiệu quả các hoạt động "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn" gắn với thông điệp "Công nhân, viên chức, lao động tỉnh Điện Biên nói không với ma túy".
Phối hợp làm tốt công tác nắm bắt thông tin, dư luận xã hội đã góp phần thực hiện có kết quả về công tác an ninh - trật tự, không để xảy ra “điểm nóng” tại các cấp, ngành, địa phương và cơ sở. Nâng cao ý thức cảnh giác phòng, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; phối hợp tuyên truyền về công tác phòng, chống các loại tội phạm; Tuyên truyền phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen trong cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ; tuyên truyền ngăn chặn truy cập những nội dung phản động, độc hại trên mạng internet; tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam...
Từ năm 2013 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức được 20 cuộc mít tinh diễu hành hưởng ứng Ngày thế giới và Ngày toàn dân phòng chống ma túy 26/6, Tháng hành động phòng chống lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con với 9.600 lượt cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ nhiệt tình tham gia. Tổ chức Lễ phát động “Tháng công nhân” và “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động”, có trên 8.000 lượt CNVCLĐ tham dự; có 40.920 lượt thí sinh tham gia cuộc thi trực tuyến "Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom, mìn, vật nổ do chiến tranh để lại"; có hàng trăm lượt đoàn viên, CNVCLĐ tham gia cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật trực tuyến"; Cuộc thi viết tìm hiểu Luật an ninh mạng Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí"; cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới…
Tổ chức 15 lớp tuyên truyền về công tác phòng chống ma túy, tội phạm cho, đoàn viên CNVCLĐ với hơn 1.500 lượt người tham gia. Cấp phát trên 100.000 tờ gấp, 60.000 cuốn sổ tay, 80.000 tranh cổ động, 600 bút viết có in các nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; đăng 950 tin, bài, ảnh được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Báo Lao động chuyên mục Công đoàn toàn quốc, trang thông tin điện tử; 15 phóng sự chuyên đề phát trên Truyền hình Điện Biên, hàng trăm lượt chia sẻ trên facebook, fanpage của các cấp công đoàn về công tác phòng, chống ma túy, tội phạm, ANTT, an toàn xã hội trong đoàn viên, CNVCLĐ.
Thời gian tới, để phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới ngày càng hiệu quả, LĐLĐ Điện Biên yêu cầu các cấp Công đoàn tiếp tục tham mưu cấp ủy, phối hợp với chính quyền trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật trong đoàn viên, CNVCLĐ.
Đa dạng hóa các hình thức trong công tác tuyên truyền nhằm từng bước nâng cao ý thức chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nâng cao tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm cho cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, để cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ “tự phòng”, “tự chống” góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Vận động đoàn viên, CNVCLĐ tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kết hợp thực hiện chương trình "Xây dựng xã phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy" với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; làm tốt công tác phát hiện, tố giác và tham gia bắt giữ kẻ phạm tội, nhất là tội phạm về ma túy; nhắc nhở và kịp thời cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương và lực lượng công an những biểu hiện người có hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến.
Trần Nga