60 năm xây dựng và phát triển
Ngày 15.3.1963, Ban Thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN) ra Quyết định số 214 về việc thành lập Công đoàn Điện Biên. Đây là mốc son đánh dấu sự ra đời của tổ chức Công đoàn tỉnh Điện Biên.
Trong 60 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn Điện Biên đã trải qua 11 kỳ đại hội và nhiều lần thay đổi tên gọi để phù hợp với tính chất, nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn. Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Công đoàn Điện Biên đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, hào hùng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn.
Đại diện LĐLĐ tỉnh Điện Biên thăm hỏi, tặng quà CNLĐ trên công trường. Ảnh: Trần Nga
Đến nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Điện Biên đang quản lý 13 CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở (10 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố; 3 CĐ ngành) với hơn 30.000 đoàn viên sinh hoạt tại 955 CĐCS. Trong đó 2.457 đoàn viên, sinh hoạt tại 14 CĐCS trực thuộc CĐ ngành T.Ư đóng tại địa phương.
Hàng năm, chất lượng đội ngũ CNVCLĐ đã được nâng lên nhiều mặt, có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, có khả năng thích ứng với cơ chế thị trường, tiếp cận nhanh với khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Đại diện LĐLĐ tỉnh Điện Biên trao hỗ trợ Bệnh viện dã chiến tỉnh Điện Biên trong dịch Covid-19. Ảnh: Trần Nga
Nội dung, hình thức, hoạt động công đoàn hướng mạnh về cơ sở, bám sát đoàn viên và người lao động, lấy mục tiêu: “Chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động” làm phương châm hoạt động để thu hút, tập hợp đông đảo CNLĐ trong các thành phần kinh tế vào tổ chức Công đoàn.
Trong những năm qua, hàng chục nghìn đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo được tặng quà với tổng số tiền trên 20 tỉ đồng. Gần 200 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở được quan tâm, hỗ trợ sửa chữa, trao tặng "Nhà ở mái ấm công đoàn" với tổng số tiền hơn 4 tỉ đồng.
Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn, LĐLĐ tỉnh Điện Biên đã tích cực chỉ đạo công đoàn các cấp phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham gia sửa đổi các văn bản pháp luật, chế độ, chính sách liên quan đến đoàn viên và người lao động. Từ đó tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn trong sạch vững mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều phong trào thi đua đã được đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ nhiệt tình tham gia hưởng ứng đem lại hiệu quả cao. Đã có hàng ngàn đề tài, dự án khoa học công nghệ của đoàn viên, CNVCLĐ được vận dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả, có giá trị làm lợi hàng tỉ đồng cho cơ quan, đơn vị doanh nghiệp và người dân.
Với những đóng góp to lớn trong 60 năm qua, Công đoàn Điện Biên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc Lập hạng Ba, Huân chương Lao Động (hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba) và nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác của Đảng, Nhà nước và Tổng LĐLĐVN.
Đổi mới, nâng cao hơn nữa vị thế của Công đoàn và phong trào CNVCLĐ
Trước những thời cơ và thách thức mới đặt ra trong quá trình hội nhập, đội ngũ cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong tỉnh Điện Biên không ngừng nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó nhiệm vụ quan trọng là thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của CĐVN trong tình hình mới” và Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.
Trong thời gian tới các cấp Công đoàn tỉnh Điện Biên cần tiếp tục quan tâm triển khai một số nội dung như:
Bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, chủ trương chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cùng cấp để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ hoạt động CĐ phù hợp với thực tiễn. Phát huy vai trò của các cấp CĐ trong đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động thông qua hướng dẫn, giám sát việc ký kết HĐLĐ, thương lượng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT và thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở.
Đồng thời nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên và đồng bộ góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, cho đoàn viên, CNVCLĐ. Chủ động thông tin về tổ chức và hoạt động CĐ, chú trọng công tác định hướng thông tin trên Internet và mạng xã hội và tham gia xây dựng môi trường văn hóa tích cực trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động CĐ; chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS gắn liền với việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức CĐ. Phát động và triển khai các phong trào thi đua phù hợp với từng loại hình CĐCS, vận động đoàn viên, người lao động tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, nâng cao năng suất, hiệu quả công tác, khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt.
LÊ THANH HÀ - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Điện Biên