CĐCS Sở Nội vụ tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng hoạt động Ban nữ công và phát động các phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ
Bà Lầu Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết, trong những năm qua, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, đội ngũ nữ CNVCLĐ tỉnh Điện Biên đã có nhiều chuyển biến cả về số lượng, chất lượng. Hiện nay nữ CNVCLĐ có 17.384 nữ CNVCLĐ, chiếm tỷ lệ 51,8% tổng số đoàn viên, CNVCLĐ toàn tỉnh. Trong đó, ở một số ngành nghề lao động nữ chiếm tỷ lệ khá cao như: ngành Giáo dục trên 65,6%, ngành Y tế 63,7%...
Các cấp Công đoàn trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật về BĐG đến 100% cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh. Kết quả, tổ chức 57 lớp tuyên truyền kiến thức về bình đẳng giới cho hơn 2.860 lượt nữ CNVCLĐ tham gia; 150 lượt cán bộ công đoàn các cấp tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác bình đẳng giới do các cấp, các ngành tổ chức; tổ chức 05 Hội nghị biểu dương gia CNVCLĐ tiêu biểu vào dịp Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 có 150 gia đình tham gia; có 1.255 tin bài, phóng sự tuyên truyền về gương người tốt việc tốt, cán bộ nữ công tiêu biểu… được đăng tải trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Điện Biên phủ, Báo Lao động, Tạp chí lao động và công đoàn, Zalo, Fanpage, trang thông tin điện tử của công đoàn Điện Biên. Tư vấn về chế độ tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi, khám sức khỏe định kỳ cho trên 10.000 lượt nữ CNVCLĐ.
Cùng với việc tuyên truyền, các cấp Công đoàn đã tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật cho người lao động đặc biệt là lao động nữ với 255 cuộc. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung việc thực hiện Bộ luật Lao động, Luật BHXH, BHYT, BHTN, Luật Bình đẳng giới, chế độ tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi, khám sức khỏe định kỳ, chế độ thai sản…
Bên cạnh đó, nhiều gia đình CNVCLĐ còn gặp không ít khó khăn, thiếu việc làm, thu nhập thấp, nhưng với nhận thức đúng đắn trong việc thực hiện quyền bình đẳng, nam CNVCLĐ tham gia chia sẻ công việc gia đình, tạo điều kiện cho chị em phấn đấu thực hiện tốt các phong trào thi đua do các cấp, các ngành phát động, đặc biệt là phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" gắn với phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc". Trong 15 năm qua, có trên 95% gia đình nữ CNVCLĐ đạt gia đình văn hóa, trên 90% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" và hàng trăm gia đình nữ CNVCLĐ được các cấp, các ngành khen thưởng.
Đồng chí Trần Thị Thu Hằng - Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh trao quà cho nữ CNLĐ tại Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại dịch vụ Hoa Ba nhân dịp Tháng công nhân năm 2022
Công tác chăm lo đời sống cho nữ CNVCLĐ cũng được các cấp công đoàn trong tỉnh quan tâm. Trong 15 năm, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức trao trên 15.000 suất quà với tổng số tiền gần 20 tỉ đồng cho nữ CNVCLĐ, nữ CNLĐ bị tai nạn lao động và con CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ phẫu thuật tim cho 01 trường hợp con đoàn viên với số tiền 22 triệu đồng; trao tặng 30.000 vở viết, hàng nghìn bộ quần áo, dầy dép, cặp phao cứu sinh cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bàn giao 09 nhà công vụ, lớp học Mầm non, 213 nhà ở Mái ấm công đoàn với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng; tạo điều kiện cho 24 hộ gia đình nữ CNVCLĐ được vay vốn, với số tiền trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 30 lao động, với thu nhập bình quân 1,5 đến 2 triệu đồng/hộ/tháng.
Công tác BĐG trong lãnh đạo, quản lý đối với nữ, trong những năm qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh thường xuyên tham mưu, đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tăng cường truyền thông thúc đẩy BĐG và VSTBPN trong lĩnh vực chính trị, đặc biệt quan tâm đến phát triển, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ vào những vị trí chủ chốt. Kết quả được thể hiện qua tỷ lệ nữ được đề bạt, bổ nhiệm vào các cương vị lãnh đạo, quản lý ngày một tăng cụ thể: đại biểu Quốc hội 3/6 đồng chí chiếm 50%, đại biểu HĐND cấp tỉnh 18/52 đồng chí chiếm 34,6%, cấp huyện 107/322 đồng chí chiếm 33,22%; cấp xã 836/2711 đồng chí chiếm 30,8%. Đại biểu nữ tham gia cấp ủy cấp tỉnh 7/51 chiếm 13,7%, cấp huyện 76/363 chiếm 20,9%, cấp xã 294/1639 chiếm 17,93%. Đối với hệ thống Công đoàn tỉnh tỷ lệ nữ CNVCLĐ được quy hoạch vào các chức danh tại Công đoàn cấp trên cơ sở đạt 52,38%.
Các cấp Công đoàn trong tỉnh cũng tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền đồng cấp tạo điều kiện cho nữ CNVCLĐ được tham gia các loại hình đào tạo, bồi dưỡng; quan tâm đến công tác phát triển đội ngũ cán bộ nữ qua thực hiện quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển, qua đó trình độ cán bộ nữ được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Cụ thể đã có 156 nữ CNVCLĐ được đào tạo Cao học, 692 đồng chí được đào tạo Đại học, 192 nữ CNVCLĐ được học Cao cấp lý luận Chính trị, 312 nữ CNVCLĐ học lớp Trung cấp lý luận Chính trị- Hành chính, 172 đồng chí học lớp Chuyên viên chính, 715 lượt nữ CNVCLĐ được học lớp tìm hiểu về Đảng; trong đó có trên 600 nữ CBCCVC được kết nạp Đảng, trên 5.600 lượt nữ CNVCLĐ được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng- An ninh....
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thi hành Luật bình đẳng giới trong CNVCLĐ còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác tuyên truyền phổ biến, pháp luật về bình đẳng giới trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước chưa được thường xuyên; Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ ở một số ít doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa đảm bảo theo quy định.
Để góp phần thúc đẩy công tác Bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn trong thời gian tới cần triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Một là: Cần tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, trong đó nhấn mạnh mục tiêu tổng quát: “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới. Đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới.
Hai là: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho CNVCLĐ về bình đẳng giới. Hằng năm, tổ chức triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến ngày 15/12.
Ba là: Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BĐG; kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách đối với lao động nữ như: tiền lương, tiền thưởng, BHYT, BHXH, BHTN./.
Trần Nga