Lan tỏa Chương trình 1 triệu sáng kiến
Thứ hai - 06/06/2022 04:36
Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động đã và đang được các cấp Công đoàn, đoàn viên tỉnh Điện Biên tích cực hưởng ứng. Qua đây, khơi dậy tinh thần thi đua lao động, đề xuất sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật trong đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), góp sức vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Triển khai Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, LĐLĐ tỉnh đăng ký với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trên 2.500 sáng kiến chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 1-9-2021 đến 31-5-2022 với 1.000 sáng kiến; giai đoạn 2, từ ngày 1-6-2022 đến tháng 9-2023 với trên 1.500 sáng kiến. Để thực hiện thắng lợi giai đoạn 1, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động phát huy thế mạnh, sức sáng tạo ở lĩnh vực công tác, ra sức thi đua, nghiên cứu cải tiến ứng dụng từ những công việc cụ thể. Đồng thời, nhằm tạo khí thế thi đua thực hiện thắng lợi chương trình, LĐLĐ tỉnh đã phát động đợt thi đua cao điểm 40 ngày từ ngày 21-4 đến 31-5-2022, với quyết tâm hoàn thành mục tiêu giai đoạn 1 là 1.000 sáng kiến.
Đối với Công đoàn ngành Giáo dục Điện Biên, Chương trình “1 triệu sáng kiến” được các nhà giáo hưởng ứng tham gia tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cũng như thực hiện mục tiêu phát triển của ngành, của tỉnh. Kết thúc giai đoạn 1 Công đoàn ngành Giáo dục có 235 sáng kiến đăng ký tham gia chương trình, đứng đầu toàn tỉnh so với các LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, Công đoàn ngành.
Tham gia Chương trình “1 triệu sáng kiến”, đa số các sáng kiến của giáo viên đăng ký tham gia đều có lợi ích đa chiều từ học sinh, giáo viên và xã hội. Một trong những số đó là sáng kiến “Xây dựng các hệ thống câu hỏi theo thang phát triển năng lực cho học sinh” của cô giáo Trần Thị Thanh Thủy, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Cô Trần Thị Thanh Thủy, chia sẻ: Ở trong sáng kiến này tôi có xây dựng hệ thống một hệ thống cơ sở lý thuyết cho học sinh trước, hệ thống kiến thức nền. Sau đó xây dựng các câu hỏi, bộ câu hỏi theo các mức độ từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Sáng kiến đó thì tôi viết trong quá trình dạy các em học sinh lớp 12. Sáng kiến này được tôi áp dụng cho tất cả các em học sinh lớp chuyên Văn, chuyên Toán, chuyên Hóa và được các em học sinh đón nhận rất tích cực. Mục đích tôi viết sáng kiến này nhằm giúp các em học bộ môn Toán cảm thấy thú vị hơn, hứng thú hơn và cũng theo định hướng phát triển năng lực của các em học sinh.
Nhắc đến môn học lịch sử, nhiều học sinh cho rằng đó là môn học khô khan, không hấp dẫn bởi có quá nhiều dấu mốc lịch sử, sự kiện, ngày tháng năm phải nhớ. Xuất phát từ thực trạng này, cô Quàng Thị Hiền, Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ đã viết sáng kiến “Vận dụng phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực vào trong bộ môn Lịch Sử lớp 10”. Với sáng kiến này của cô Hiền khi áp dụng vào thực tế đã giúp giáo viên tránh tư duy lối mòn trong giảng dạy từ đó giúp đạt mục tiêu đổi mới giảng dạy, góp phần tạo hứng thú cho các em học sinh khi tham gia vào giờ học môn Lịch Sử ngay từ khi bắt đầu tiết học.
Hằng năm tại Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ có từ 25-30 sáng kiến của cán bộ, giáo viên được áp dụng thực tế vào công tác giảng dạy. Trong đợt thi đua cao điểm này, toàn trường đã có 36 sáng kiến của 50 tác giả được cập nhật lên Cổng thông tin trực tuyến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Điện Biên là huyện có số lượng sáng kiến tham gia nhiều nhất tỉnh khối LĐLĐ các huyện, thị xã và thành phố với 200 sáng kiến, đóng góp 5% số sáng kiến của LĐLĐ tỉnh. Ở hầu hết các Công đoàn cơ sở trên địa bàn huyện đều có cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia chương trình “1 triệu sáng kiến” với nhiều sáng kiến thiết thực, hiệu quả. Có nhiều năm làm việc tại Công ty TNHH quản lý Thủy nông Điện Biên, ông Nguyễn Xuân Tráng, Chủ tịch Công đoàn thường xuyên có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp. Nổi bật là sáng kiến “Giải pháp hợp lý đối với tuyến kênh bản Đắng, Co Muông xã Mường Đăng”. Ông Nguyễn Xuân Tráng, cho biết thêm: Trong quá trình khai thác vận hành tuy tuyến kênh đã được kiên cố nhưng sau nhiều năm theo dõi cảm thấy rất bất cập do không có tuyến kênh tiêu đằng sau và toàn bộ tuyến đi qua khu dân cư nên bị bồi lắng rất nhiều. Nên tôi đã sáng kiến mở thêm các tuyên kênh tiêu để đảm bảo phục vụ tưới tiêu. Sau khi tôi đề xuất thì được sự đồng ý của Ban Giám đốc, sự ủng hộ của Nhân dân trên địa bàn xã Mường Đăng đã hiến đất để thực hiện công trình. Thực tiễn khi điều chỉnh lại công trình đã mang lại hiệu quả thiết thực đảm bảo nguồn nước tưới tiêu trên địa bàn. Đồng thời hằng năm không bị bồi lắng bùn đất trên tuyến kênh này nữa và Công ty đã giảm được chi phí nạo vét bùn đất.
Kết thúc giai đoạn 1 (31-5), tỉnh Điện Biên đã có trên 1.290 đề tài, sáng kiến của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong tỉnh được cập nhật lên Cổng thông tin trực tuyến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để tham gia Chương trình “Một triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Với kết quả này, LĐLĐ tỉnh Điện Biên vượt thời hạn giai đoạn 1 trước 7 ngày với gần 300 sáng kiến.
Ông Lê Thanh Hà, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Điện Biên, cho biết: Để việc thực hiện có hiệu quả Chương trình 1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19, tiếp tục tạo động lực thúc đẩy giai đoạn 2 sớm hoàn thành mục tiêu của cả chương trình, hiện nay các cấp Công đoàn trong tỉnh đang tiếp tục nỗ lực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các đoàn viên, CNVCLĐ tham gia với quyết tâm cao. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông để nhân lên niềm tự hào, lan tỏa giá trị sáng tạo của người lao động./.
Hoàng Hảo