Đại hội công đoàn các cấp có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết đại hội công đoàn nhiệm kỳ qua, xây dựng phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ mới. Quán triệt, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn tỉnh trong tình hình mới”, Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 17/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn tỉnh Điện Biên lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023-2028, các Nghị quyết, Chỉ thị của cấp uỷ đảng cùng cấp và Nghị quyết đại hội công đoàn các cấp.
Thời gian và phương thức đại hội
Đại hội công đoàn cơ sở, cấp trên trực tiếp cơ sở và Đại hội lần thứ XII Công đoàn tỉnh Điện Biên được tiến hành trong năm 2023, trong đó đại hội công đoàn cấp cơ sở được tổ chức và hoàn hành trước 31/5/2023. Thời gian Đại hội không quá 02 buổi; Đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được tổ chức sau khi hoàn thành đại hội công đoàn cấp cơ sở và xong trước 31/7/2023. Thời gian Đại hội không quá 03 buổi; Đại hội công đoàn tỉnh Điện Biên thực hiện khi hoàn thành Đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và xong trước 31/10/2023. Thời gian Đại hội không quá 04 buổi.
Trường hợp công đoàn cơ sở kết thúc nhiệm kỳ trước hoặc sau thời điểm tổ chức Đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp mà chưa thực hiện điều chỉnh nhiệm kỳ thì công đoàn cơ sở đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp quyết định điều chỉnh kéo dài hoặc rút ngắn nhiệm kỳ phù hợp với thời gian ghi trong kế hoạch tổ chức đại hội của cấp đó. Thời gian kéo dài hoặc rút ngắn không quá 30 tháng; Trường hợp công đoàn cơ sở đã điều chỉnh kéo dài nhiệm kỳ quá 30 tháng, nhưng vẫn kết thúc sớm hơn thì tổ chức Đại hội tại thời điểm kết thúc nhiệm kỳ và tổ chức Hội nghị đại biểu theo thời gian ghi trong Kế hoạch Đại hội của công đoàn cấp trên trực tiếp; Nơi không đủ điều kiện tổ chức Đại hội theo hình thức trực tiếp thì tuỳ theo tình hình thực tế Ban Chấp hành cấp triệu tập quyết định hình thức Đại hội trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.
Công tác chuẩn bị đại hội, căn cứ tình hình thực tế, LĐLĐ tỉnh, các LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, Công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức tỉnh thành lập một số tiểu ban chuẩn bị đại hội (không thành lập ban chỉ đạo hoặc ban tổ chức đại hội): Tiểu ban nội dung; Tiểu ban nhân sự; Tiểu ban tuyên truyền và phục vụ đại hội.
Đối với công đoàn cơ sở, tuỳ theo quy mô và điều kiện thực tế, ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét, quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị đại hội hoặc phân công cán bộ, đoàn viên thực hiện các nhiệm vụ công tác chuẩn bị đại hội.
Về cơ cấu, số lượng ban chấp hành công đoàn các cấp, Kế hoạch nêu rõ: Ban chấp hành công đoàn các cấp cần có số lượng hợp lý, cơ cấu đảm bảo tính đại diện của đoàn viên theo các lĩnh vực công tác, địa bàn hoạt động, để đáp ứng yêu cầu của việc lãnh đạo, triển khai tổ chức thực hiện kịp thời Nghị quyết của công đoàn đến với đoàn viên, người lao động. Công tác chuẩn bị nhân sự thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, đúng nguyên tắc, nhưng nhất thiết không vì cơ cấu mà làm giảm chất lượng ủy viên ban chấp hành.
Ban Chấp hành công đoàn các cấp cần có 3 độ tuổi để bảo đảm tính kế thừa, phát triển, bao gồm: dưới 40 tuổi, từ 40 đến dưới 50 tuổi, từ 50 tuổi trở lên; phấn đấu có tỉ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành đạt từ 30% trở lên. Coi trọng cơ cấu đoàn viên ưu tú trực tiếp sản xuất, là người dân tộc thiểu số (nơi có đông đoàn viên dân tộc thiểu số), người ngoài đảng trong các thành phần kinh tế.
Đối với công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp có lập tổ công đoàn thì cần có cơ cấu đại diện cán bộ tổ công đoàn tham gia Ban Chấp hành công đoàn cơ sở
Về số lượng Ủy viên Ban Chấp hành công đoàn cơ sở từ 03 đến 15 uỷ viên. Công đoàn cơ sở thành viên được bầu từ 3-7 Ủy viên Ban Chấp hành, công đoàn bộ phận từ 3-5 Ủy viên Ban Chấp hành.
Số lượng Ban Chấp hành CĐCS được định mức như sau: Dưới 10 đoàn viên trở xuống, bầu Chủ tịch; Từ 10 đến dưới 20 đoàn viên, bầu 3 ủy viên Ban Chấp hành; Từ 20 đến dưới 50 đoàn viên, bầu 3 đến 5 ủy viên Ban Chấp hành; Từ 50 đến dưới 500 đoàn viên, bầu 5-7 ủy viên Ban Chấp hành; Trên 500 đoàn viên, bầu Không quá 15 ủy viên Ban Chấp hành.
LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, Công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức tỉnh: Ban Chấp hành không quá 21 uỷ viên. Được định mức như sau: Dưới 2.000 đoàn viên, bầu không quá Không quá 13 ủy viên; Từ 2.000 đoàn viên trở lên, bầu Không quá 21 ủy viên
Liên đoàn Lao động tỉnh: Ban Chấp hành không quá 35 uỷ viên (theo hướng dẫn của đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam).
Công tác nhân sự đại hội công đoàn các cấp thực hiện theo hướng dẫn riêng của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh. Công đoàn cơ sở bầu trực tiếp Chủ tịch tại đại hội thực hiện theo Hướng dẫn số 28/HD-TLĐ ngày 24/6/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
Số lượng đại biểu chính thức của đại hội công đoàn các cấp do ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội quyết định. Công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận có từ 200 đoàn viên trở lên tổ chức đại hội đại biểu, số lượng đại biểu chính thức không quá 150 đại biểu; Công đoàn cấp trên trực tiếp có dưới 2.000 đoàn viên, không quá 120 đại biểu; công đoàn cấp trên trực tiếp có trên 2.000 đoàn viên, không quá 150 đại biểu. Đại hội công đoàn tỉnh: Không quá 250 đại biểu.
Việc chỉ đạo đại hội điểm phải được thực hiện trước, nhưng tối đa không sớm trước 03 tháng so với thời gian kết thúc đại hội của cấp dưới trực tiếp, để có thời gian rút kinh nghiệm cho việc chuẩn bị và tổ chức đại hội ở các công đoàn khác được tốt hơn; mỗi Liên đoàn lao động huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức tỉnh chọn từ 01 đến 02 công đoàn cơ sở tổ chức đại hội làm điểm.
Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh chọn Công đoàn Viên chức tỉnh là đơn vị tổ chức Đại hội điểm Công đoàn cấp trên cơ sở.
Trần Thủy