5 hoạt động trọng tâm
Theo đó, Kế hoạch số 274/KH-TLĐ ngày 30/11/2022 do Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ký, nêu rõ việc tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân 2023 với mục đích tuyên truyền sâu rộng về vị trí, vai trò, đóng góp của giai cấp công nhân Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tăng cường mối quan hệ gắn kết đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động (CNVCLĐ) với tổ chức Công đoàn, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trao học bổng cho con em công nhân mồ côi cha, mẹ do dịch bệnh Covid-19 tại Bình Dương nhân dịp Tháng Công nhân 2022 - Ảnh: NGỌC TÚ
Động viên đoàn viên, CNVCLĐ, nhất là đội ngũ công nhân lao động nỗ lực vượt khó, lao động sáng tạo đóng góp cho sự phát triển của từng doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Thông qua các hoạt động Tháng Công nhân, làm tốt hơn nữa công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động, tạo sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội đối với giai cấp công nhân.
Tháng Công nhân năm 2023, các cấp công đoàn tổ chức đồng loạt 5 hoạt động trọng tâm, trọng điểm, bao gồm: Tổ chức chương trình “Đối thoại tháng 5”, diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân”, hoạt động “Cảm ơn người lao động”; tổ chức Tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp; tổ chức chương trình “Mỗi công đoàn cơ sở, một lợi ích đoàn viên”; hưởng ứng Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động; gắn hoạt động Tháng Công nhân với tổ chức đại hội công đoàn các cấp; tổ chức chiến dịch truyền thông về 137 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 – 1/5/2023), Tháng Công nhân năm 2023 và các hoạt động trọng tâm của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Nâng cao phúc lợi cho đoàn viên, người lao động
Kế hoạch nêu, công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đề xuất, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân”, hoạt động “Cảm ơn người lao động”, kịp thời động viên, giải quyết các vấn đề người lao động quan tâm, bức xúc. Đặc biệt, quan tâm tham gia giải quyết tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu việc làm, giảm thu nhập của người lao động. Đề xuất các doanh nghiệp tìm giải pháp đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động một cách bền vững.
Công nhân lao động Thủ đô tham dự lễ phát động Tháng Công nhân 2022 - Ảnh: Ý YÊN
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thương lượng với người sử dụng lao động nhằm nâng cao phúc lợi cho đoàn viên, người lao động. Phối hợp tổ chức các “Phiên chợ công nhân”, “Tuần lễ bán hàng giảm giá cho người lao động”, “Ngày hội văn hóa thể thao công nhân”, “Ngày hội chăm sóc sức khỏe”; tổ chức các chương trình du lịch, nghỉ mát cho công nhân...
Tổ chức để công đoàn cơ sở đăng ký và triển khai có hiệu quả ít nhất 01 việc làm cụ thể chăm lo phúc lợi cho đoàn viên; đồng thời đưa nội dung này vào chấm điểm thi đua cuối năm của các cấp công đoàn. Khuyến khích công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động “Kết nối trái tim”, tạo điều kiện để công nhân tìm hiểu, kết đôi, xây dựng hạnh phúc gia đình; triển khai các hoạt động chăm lo, hỗ trợ con công nhân.
Tổng liên đoàn yêu cầu tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân gắn với Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2023; kỷ niệm 137 năm Ngày Quốc tế Lao động 1-5 rộng khắp, thiết thực, hiệu quả, có tính hành động cao, hướng về cơ sở, trực tiếp giải quyết vấn đề công nhân lao động quan tâm, bức xúc và phù hợp tình hình thực tiễn của ngành, địa phương và lộ trình tổ chức đại hội công đoàn các cấp; đồng thời thu hút đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ tham gia. Đồng thời tạo được lòng tin, sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội đối với tổ chức Công đoàn và đoàn viên, CNVCLĐ.
Ý Yên