Qua quá trình tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023-2028, các cấp Công đoàn trong tỉnh Điện Biên đã tổng hợp các ý kiến đề xuất, kiến nghị của đoàn viên công đoàn,người lao động với Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cụ thể như sau:
Đồng chí Trần Thị Thu Hằng - Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh trao quà cho CNLĐ
tại Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại dịch vụ Hoa Ba
Một là: Đoàn viên, công nhân lao động mong muốn Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ quan tâm sớm thực hiện chính sách cải cách tiền lương để cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động đảm bảo cuộc sống yên tâm công tác, lao động sản xuất theo Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 21/8/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và công nhân lao động trong doanh nghiệp.
Hai là: Đề nghị Quốc hội nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Bộ luật lao động 2019, Luật BHXH theo hướng tách quy định tuổi hưởng lương hưu của nhóm đối tượng công chức, viên chức, lao động khối hành chính - sự nghiệp với nhóm đối tượng người lao động khối sản xuất - kinh doanh; trong đó công nhân lao động khối sản xuất - kinh doanh được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ (như trước khi chưa thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019); có quy định tuổi nghỉ hưu đối với nữ giáo viên mầm non là 55 tuổi. Nghiên cứu chính sách đặc thù đối với công chức, viên chức, giáo viên công tác tại các địa bàn khó khăn, vùng núi, biên giới.
Ba là: Đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội theo hướng thu hút được đông đảo người lao động tham gia, đặc biệt là để người lao động yên tâm không rút bảo hiểm xã hội một lần. Thời gian qua tình trạng người lao động hưởng BHXH một lần có xu hướng tăng là thực tế đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân, Vì vậy đề nghị nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về BHXH một lần, tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.
Bốn là: Đề nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi các quy định pháp luật liên quan (như: Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật Công đoàn) theo hướng bổ sung chủ thể có quyền khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH là cơ quan Bảo hiểm xã hội và Công đoàn cấp trên cơ sở; tăng chế tài xử lý mạnh hơn nữa các hành vi vi phạm về Bảo hiểm xã hội, đặc biệt là các hành vi chây ỳ, trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp để khắc phục, hạn chế tình trạng doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Trần Nga