Theo bà Lầu Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Điện Biên, trong 3 năm qua, LĐLĐ tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp tốt với lãnh đạo chuyên môn, giám đốc doanh nghiệp triển khai thực hiện các nội dung theo quy định của pháp luật.
Đồng chí Lầu Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ tại Phòng Nội vụ huyện Tủa Chùa. Ảnh: Ngọc Nhưng
Theo đó, 100% Công đoàn cấp trên cơ sở đã phối hợp với lãnh đạo chuyên môn, giám đốc doanh nghiệp chuẩn bị tốt các nội dung, các điều kiện cần thiết để tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, Hội nghị Người lao động, tổ chức đối thoại, bầu Ban Thanh tra nhân dân, bầu tổ đối thoại và tổ chức đối thoại theo quy định của pháp luật.
Đến nay, 980/994 các cơ quan hành chính sự nghiệp, xã phường, trường học phối hợp với thủ trưởng cơ quan tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, đạt 98,5%, riêng khối trường học là 506/506 đơn vị đạt 100% và 40/53 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn phối hợp với giám đốc doanh nghiệp, người sử dụng lao động tổ chức hội nghị người lao động đạt 75%.
LĐLĐ tỉnh giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại 18 cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trong tỉnh. Qua giám sát cho thấy việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại 12 cơ quan, đơn vị, trường học và 6 doanh nghiệp đã cơ bản thực hiện nghiêm túc, phát huy quyền làm chủ, huy động sự tham gia tích cực của cán bộ, Công chức viên chức, người lao động, của nhân dân trong xây dựng kết cấu hạ tầng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.
Công đoàn đã phối hợp với lãnh đạo chuyên môn đồng cấp củng cố, kiện toàn và thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
Tuy nhiên, trong qua trình triển khai thực hiện vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm hơn nữa đó là: Vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm sâu sắc đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc xây dựng một số quy chế còn mang tính hình thức, rập khuôn, một số vấn đề chưa được công khai minh bạch để người lao động được biết; chưa xác định rõ vai trò trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ.
Để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong những năm tiếp theo, Công đoàn các cấp trong tỉnh cần chủ động, thường xuyên, tích cực phối hợp tốt với chuyên môn thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ chủ yếu; phối hợp với các cấp chính quyền, chuyên môn cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, người lao động, đoàn viên công đoàn về tác dụng của việc xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động của Hội nghị cán bộ công chức, Hội nghị người lao động, phát huy dân chủ đại diện thông qua tổ chức Công đoàn, Ban thanh tra nhân dân.
Các cấp CĐ cũng cần chú trọng yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật như ký kết Hợp đồng lao động, Thoả ước lao động tập thể nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Trần Nga - LĐLĐ tỉnh