Là một tỉnh miền núi, vùng cao biên giới nằm phía Tây Bắc Tổ quốc, diện tích rộng, dân cư ít và phân tán. Do đó, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Điện Biên hình thành chậm hơn so với các khu vực trong cả nước. Đầu năm 1963, theo đề nghị của Liên hiệp Công đoàn khu tự trị Tây Bắc và nhận thấy sự cần thiết phải thành lập tổ chức Công đoàn Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên), ngày 15/3/1963 Tỉnh ủy lâm thời Lai Châu đã ra quyết định số 4 và ngày 15/4/1963, Ban Thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam ra quyết định số 214 chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Liên hiệp Công đoàn Lai Châu gồm 7 đồng chí, đồng chí Hoàng Minh Các giữ chức vụ Thư ký.
Lực lượng công nhân viên chức thời bấy giờ có tổng số 11.998 người, với 40 Công đoàn cơ sở và 5.738 đoàn viên chủ yếu bổ sung từ miền xuôi lên, gồm nhiều thành phần như: nông dân, tiểu tư sản thành thị, học sinh… Tháng 01/1964, Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Điện Biên lần thứ nhất được triệu tập, Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh gồm 15 đồng chí. Từ sau Đại hội, phong trào thi đua lao động sản xuất đã dấy lên sôi nổi mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đông đảo công nhân, viên chức và đoàn viên công đoàn đã hưởng ứng tích cực các phong trào “ngày thứ bảy đấu tranh thống nhất nước nhà”, “mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt”.
Giữa lúc đội ngũ công nhân và tổ chức công đoàn trong tỉnh đang thi đua lao động sản xuất, đế quốc Mỹ điên cuồng tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc (8/1964) và Điện Biên (7/1965). Công nhân, viên chức và tổ chức Công đoàn Điện Biên bước vào thời kỳ mới, thời kỳ cùng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam vừa chiến đấu đánh bại chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, vừa tiếp tục xây dựng hậu phương miền Bắc XHCN vững mạnh.
Sau chiến tranh phá hoại, các cơ sở sản xuất ở Điện Biên từng bước được phục hồi, trong đó một số cơ sở được đầu tư mở rộng thêm. Đó là yếu tố cơ bản thu hút thêm lao động bổ sung vào đội ngũ công nhân. Ngoài lực lượng từ miền xuôi lên, thời kỳ này khá đông thanh niên các dân tộc, chủ yếu là người Thái và H’mông đã gia nhập đội ngũ công nhân, viên chức của tỉnh. Chặng đường vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (1963 - 1975) đội ngũ công nhân, viên chức và tổ chức Công đoàn Điện Biên đã trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ ra sức thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Thời kỳ 1976 - 1988, là thời kỳ phong trào công nhân, Công đoàn Điện Biên trong chặng đường cùng cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, tổ chức Công đoàn Điện Biên trải qua 4 kỳ Đại hội, cơ cấu đội ngũ công nhân, viên chức đã những thay đổi đáng kể, phản ánh sự chuyển mình của nền kinh tế, xã hội trong tỉnh từ chế độ quản lý hành chính quan liêu bao cấp sang hạch toán kinh doanh XHCN. Cũng trong thời kỳ này từ giữa năm 1979 các Công đoàn huyện, thị xã ra đời và đến năm 1980 đã có 8 Công đoàn huyện, thị có Ban Chấp hành chính thức. Đến năm 1988, số công nhân, viên chức phát triển tới 33.356 người, trong đó hơn 60% là lực lượng trẻ, 70- 80% là lực lượng nữ công nhân, viên chức từ các tỉnh miền xuôi lên.
Bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, vượt qua những khó khăn thử thách trong sản xuất và đời sống công nhân lao động do quá trình chuyển đổi từ cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới, do thiên tai, lũ lụt thường xuyên xảy ra (lũ quét lịch sử năm 1990 tại thị xã Lai Châu…) hay việc di chuyển Tỉnh lỵ từ Thị xã Lai Châu chuyển về Điện Biên Phủ năm 1992, chia tách tỉnh Lai Châu thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu năm 2003. Đội ngũ công nhân và tổ chức Công đoàn Điện Biên không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt, chuyển biến mạnh về chất lượng, tăng nhanh về số lượng. Đến nay, Liên đoàn Lao động tỉnh Điện Biên quản lý 10 Liên đoàn Lao động huyện, thị xã, thành phố, 3 Công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức tỉnh với 1.043 CĐCS, 35.770 công nhân, viên chức lao động, 34.172 đoàn viên. Chất lượng đội ngũ lao động đã được nâng lên nhiều mặt, có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, có khả năng thích ứng với cơ chế thị trường, tiếp cận nhanh với khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Việc làm, đời sống của CNVCLĐ tương đối ổn định, được nâng lên do Nhà nước điều chỉnh mức lương cơ sở, lương tối thiểu vùng theo lộ trình. Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển quan tâm chăm lo cho người lao động. Thu nhập người lao động bình quân 5.350.000đ/người/tháng; đời sống văn hóa, tinh thần của CNVCLĐ được cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động quan tâm tạo điều kiện; các chế độ chính sách cho người lao động được đảm bảo thực hiện tốt; Các doanh nghiệp đang tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh thực hiện tương đối tốt các quy định của luật BHXH; Công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, CNVCLĐ ngày càng được LĐLĐ tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả như: Chương trình nhà ở “Mái ấm Công đoàn” đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa bàn giao 09 nhà công vụ, lớp học mầm non, 213 nhà ở cho đoàn viên có hoàn cảnh khó hăn và các trường học vùng sâu, vùng xa với tổng số tiền 7.518.000.000đ; Chương trình “Phúc lợi đoàn viên” nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên, người lao động khi mua các sản phẩm, dịch vụ theo thỏa thuận hợp tác mà LĐLĐ tỉnh đã ký kết với các doanh nghiệp trong tỉnh, đã có 200 đoàn viên và người lao động được hưởng lợi từ mua hàng giảm giá với số tiền 15 triệu đồng, gần 700 đoàn viên, người lao động được tặng vé tàu xe với tổng số tiền 609 triệu đồng, hỗ trợ tiền mặt từ Chương trình Tết Sum vầy số tiền 205 triệu đồng.
Công tác tuyên truyền có nhiều đổi mới, nội dung, hình thức phù hợp với từng đơn vị. Các hoạt động văn hóa, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho CNVCLĐ được tổ chức ở các cấp công đoàn. Các phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến được đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ hưởng ứng. Công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh được triển khai đồng bộ. Hoạt động nữ công, UBKT, quản lý tài chính, tài sản công đoàn đã bám sát chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của nhà nước và của Tổng Liên đoàn, ...
Đ/c Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng cờ đơn vị xuất sắc năm 2017 cho LĐLĐ tỉnh Điện Biên
Trải qua 11 kỳ Đại hội, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Điện Biên và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đội ngũ công nhân và tổ chức Công đoàn Điện Biên không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt, sát cánh cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn thử thách, giành thắng lợi to lớn trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Đồng chí Lò Văn Puốn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tặng lẵng hoa cho LĐLĐ tỉnh trong dịp đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Ghi nhận những kết quả đã đạt được trong 57 năm qua, LĐLĐ tỉnh Điện Biên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động (hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba) và nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác của Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, và các cấp, song đồng thời cũng là nguồn động viên rất lớn để mỗi cán bộ, công nhân, viên chức, lao động và đoàn viên tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thi đua lao động, sản xuất góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Lê Thanh Hà - Tỉnh ủy viên - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Điện Biên