Ngay từ đầu giờ sáng thứ 2, toàn thể chị em trong cơ quan LĐLĐ tỉnh đã mặc áo dài trong tuần đầu tiên của tháng 3, đồng thời các chị em sẽ mặc áo dài trong suốt buổi làm việc như một trang phục công sở truyền thống. Trang phục áo dài cũng được các chị em tại nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng trong suốt "Tuần lễ áo dài" từ ngày 2/3 đến 6/3, nhân kỷ niệm 110 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Công đoàn cơ sở cơ quan LĐLĐ tỉnh cho biết, hoạt động hưởng ứng sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” nhằm góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, khẳng định bản sắc văn hóa và tôn vinh giá trị chiếc Áo dài Việt Nam trong đời sống xã hội hiện nay. Khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản văn hóa Việt Nam trong mỗi phụ nữ và nhân dân Việt Nam, hướng đến đề xuất công nhận áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đồng chí Nguyễn Thị Hải Vân - Quyền Trưởng Ban Tuyên giáo và Nữ Công LĐLĐ tỉnh cho biết đã triển khai tới các cấp Công đoàn trong tỉnh hưởng ứng "Tuần lễ áo dài", sự kiện "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam", tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên mặc áo dài khi tham dự các hoạt động, các sự kiện của địa phương, đơn vị; trong đó tất cả nữ cán bộ, đoàn viên, người lao động mặc áo dài trong ngày làm việc phù hợp với điều kiện và đặc thù nghề nghiệp, đảm bảo thuận tiện, an toàn lao động, từ ngày 2 đến ngày 8/3 tập trung đồng loạt vào ngày 6/3 nhằm lan tỏa vẻ đẹp áo dài nơi công tác, nơi sinh sống.
Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh - đoàn viên Công đoàn cho biết, trang phục áo dài là trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bản thân rất vui và tự hào khi được mặc bộ áo dài truyền thống, phụ nữ Việt Nam luôn xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.
Một số hình ảnh cán bộ, đoàn viên mặc áo dài tại cơ quan LĐLĐ tỉnh
Trần Nga