
Một buổi thi đánh giá chất lượng trong giáo dục mầm non của sinh viên Lớp 25MN7-8, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đã được tổ chức bằng hình thức trắc nghiệm online trên máy tính. Sau khi hoàn thành bài thi, sinh viên ngay lập tức nhận được kết quả điểm thi của mình. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào hình thức thi này không chỉ giúp công tác chấm thi diễn ra nhanh chóng mà còn đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quá trình đánh giá chất lượng học tập.
Trao đổi với ông Mai Đình Nam, Chủ tịch Công đoàn Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh được biết, Nhà trường đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động chuyên môn, nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. Nhà trường đã đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ trong quản lý, đào tạo và định hướng nghề nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy cũng như công tác quản lý. Việc liên tục cập nhật, đổi mới các phương pháp và công cụ giảng dạy không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tối ưu hóa nhân lực, tiết kiệm thời gian. Đồng thời, điều này cũng góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, giúp họ bắt kịp xu hướng giáo dục hiện đại.
Tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ hiện lưu giữ và trưng bày khoảng 7.000 hiện vật gốc cùng nhiều tài liệu quan trọng. Những hiện vật này là nguồn tư liệu quý của Bảo tàng. Vì vậy, đơn vị đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa toàn bộ các hiện vật và tài liệu lịch sử. Hiện nay, gần 100% các tài liệu và hiện vật tại không gian trưng bày của Bảo tàng đã được số hóa. Việc chuyển đổi từ bảo tàng truyền thống sang bảo tàng số là một cách làm mới, giúp quảng bá và phát huy giá trị của các hiện vật một cách sinh động và gần gũi hơn với khách tham quan. Bên cạnh việc số hóa, Bảo tàng còn ứng dụng gần 10 phần mềm công nghệ hiện đại, bao gồm phần mềm bảo tàng ảo, phần mềm quảng bá hiện vật dưới dạng 3D và phần mềm thực tế ảo. Những phần mềm và thiết bị công nghệ này giúp khách tham quan trải nghiệm một cách trực tiếp và tương tác mà không cần sự hướng dẫn của thuyết minh viên. Đây là một phương pháp mới mẻ, hấp dẫn, trở thành một điểm đến thú vị đối với đông đảo người tham quan khi tìm đến với Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đối với Liên đoàn Lao động tỉnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn cũng được triển khai mạnh mẽ và mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Bà Vũ Thị Hằng, Chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh, chia sẻ rằng Liên đoàn đã thành lập các nhóm thông tin công đoàn trên các nền tảng Zalo và Facebook. Điều này không chỉ giúp kết nối nhanh chóng với người lao động mà còn tạo điều kiện để họ cập nhật các thông tin quan trọng về các hoạt động nghiệp vụ, chính sách, pháp luật và quyền lợi của mình. Ngoài ra, Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh cũng được nâng cấp để cập nhật liên tục các thông tin mới nhất. Hiện nay, trang web này thu hút hàng nghìn lượt truy cập mỗi tháng, trong khi trang Fanpage Công đoàn Điện Biên có hơn 3.500 người theo dõi. Những kênh thông tin này đã đóng góp không nhỏ trong việc lan tỏa các phong trào thi đua và giúp người lao động kịp thời nắm bắt các quy định về quyền lợi hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật và kỹ năng hoạt động công đoàn qua các nền tảng mạng xã hội.
Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu trong công tác Công đoàn và các hoạt động chuyên môn tại các cấp Công đoàn trong tỉnh. Việc áp dụng công nghệ vào quản lý giúp các đơn vị và địa phương cải thiện công tác hành chính, giảm thiểu thủ tục giấy tờ, tiết kiệm thời gian và chi phí. Các phần mềm quản lý hồ sơ, công văn điện tử đã giúp công tác Công đoàn được tổ chức nhanh chóng, hiệu quả hơn. Chuyển đổi số cũng mang lại lợi ích lớn cho đoàn viên công đoàn trên địa bàn tỉnh, giúp cải thiện chuyên môn. Các phần mềm chuyên dụng hỗ trợ theo dõi tiến độ công việc và phân tích dữ liệu một cách chính xác, giúp công việc được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Điều này không chỉ giảm thiểu công sức mà còn tiết kiệm thời gian trong các công việc thủ công, tạo ra môi trường làm việc năng suất và thuận tiện hơn.
Chuyển đổi số là một quá trình không hề dễ dàng, nhất là đối với người lao động và các tổ chức Công đoàn. Việc tiếp tục tăng cường hợp tác giữa Công đoàn và chính quyền các cấp trong thời gian tới sẽ là yếu tố quyết định để đạt được mục tiêu chuyển đổi số trong lao động và sản xuất./.