Hội nghị tổng kết Công đoàn ngành giáo dục năm học 2019-2020 (Ảnh B.T)
Để góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, Công đoàn ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo các đơn vị xây dựng cũng như tổ chức thực hiện kế hoạch nhiệm vụ và phương hướng trên cơ sở bám sát việc triển khai thực hiện 7 chương trình công tác của Công đoàn ngành, khóa XV, nhiệm kỳ 2018-2023; đã tập trung rà soát, bổ sung, lồng ghép trong kế hoạch công tác nhiệm kỳ hàng năm đảm bảo tính thực tiễn, khả thi, phù hợp với điều kiện, tình hình của đơn vị và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Công đoàn ngành đã phối hợp với chuyên môn chỉ đạo các công đoàn cơ sở (CĐCS) triển khai Chương trình 3 “Thực hiện tốt chức năng chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) trong ngành Giáo dục”, Công đoàn cơ sở các đơn vị đã làm tốt công tác chăm lo, đại diện, bảo vệ CBNGNLĐ; chủ động nắm tình hình, can thiệp kịp thời để bảo vệ quyền lợi đối với đoàn viên, người lao động, nhất là chế độ chính sách, tiền lương, thu nhập và phúc lợi. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình “Nâng cao hiệu quả việc thực hiện dân chủ cơ sở trong cơ quan, đơn vị, trường học”; chú trọng công tác phổ biến pháp luật cho CBNGNLĐ.
Quang cảnh hội nghị (Ảnh B.T)
Tổ chức thăm hỏi động viên kịp thời 476 cán bộ, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 556.000.000đ; trong "Tháng Công nhân" phân bổ 02 xuất quà cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 1.000.000đồng; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, hỗ trợ cán bộ, nhà giáo và người lao động bị ảnh hưởng do giông lốc với số tiền 93 triệu đồng; đề nghị Công đoàn Giáo dục Việt Nam hỗ trợ 06 cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) bị ảnh hưởng do giông lốc với tổng số tiền 14 triệu đồng và trong học kỳ II, khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, Công đoàn ngành đã tổ chức khảo sát đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với đời sống và việc làm của CBNGNLĐ và đề nghị CĐGDVN hỗ trợ 10 CBNGNLĐ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 10 triệu đồng.
Cùng với việc chăm lo đời sống vật chất, Công đoàn ngành đã tổ chức nhiều hoạt động thi đua sôi nổi, giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao..., thu hút đông đảo đoàn viên tham gia.
Trong các nhà trường, phong trào thi đua "Lao động giỏi, Lao động sáng tạo" được cụ thể hóa thông qua phong trào thi đua "Dạy tốt, Học tốt", "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học", "Giỏi việc trường, Đảm việc nhà" gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các nhà trường và công đoàn đã phối hợp tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, động viên CBNGNLĐ tích cực lao động vệ sinh trường lớp, phun thuốc khử khuẩn, kêu gọi vận động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ cho học sinh khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, đồ dùng, nhu yếu phẩm; cán bộ, giáo viên nghiên cứu, sử dụng các phần mềm Zoom metting …để họp trực tuyến, dạy học và dự giờ trực tuyến, chia sẻ thông tin nhóm và duy trì hoạt động dạy học trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Năm học 2019-2020 đã công nhận 205 sáng kiến được áp dụng hiệu quả và có phạm vi ảnh hưởng cấp ngành Giáo dục và Đào tạo cho 177 tác giả và đồng tác giả, phần đa các đề tài sáng kiến có chất lượng tốt, thể hiện được ý tưởng, đầu tư thời gian, nghiên cứu khá nghiêm túc của cán bộ, giáo viên; nhiều đề tài, sáng kiến thể hiện sự nghiên cứu khá dày công về các vấn đề trong công tác quản lý giáo dục, tính thực tiễn cao, có thể triển khai áp dụng rộng rãi.
Công đoàn ngành đã chỉ đạo các CĐCS đẩy mạnh các phong trào thi đua, nâng cao hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) như: phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phong trào lao động sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ… tổ chức ngày chủ nhật xanh “Vì an toàn vệ sinh lao động - vì sức khỏe người lao động” qua đó thúc đẩy sự tham gia của người sử dụng lao động và người lao động trong việc bảo đảm ATVSLĐ.
Trần Nga