Ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN là người đã tác thành ý nguyện của nhân dân cả nước là xây dựng một khu tưởng niệm những người đã ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền trên đảo Gạc Ma, kể: “365 ngày vừa trôi qua là khoảng thời gian tôi luôn luôn suy nghĩ đến công trình này. Rất hạnh phúc vì chúng tôi đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đồng bào chiến sĩ cả nước; đặc biệt là toàn thể đoàn viên công đoàn và CBCNVCLĐ đã sẵn sàng đóng góp từ 1-2 ngày lương để có đủ tiền xây dựng Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma tại tại bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Chúng tôi vô cùng trân quý tấm lòng của những kiến trúc sư, kỹ sư, họa sĩ, nghệ nhân… đã nhiệt tình tham gia cuộc thi không có giải thưởng, chỉ để được “làm một việc gì đó” góp phần bày tỏ tri ân...
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam hiểu rõ trọng trách của mình và chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể để hoàn thành nhiệm vụ cao cả. Trong thực tế, Tổng LĐLĐVN đã nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện hết sức thuận lợi của tập thể lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Cục Mỹ thuật - Bộ VHTTDL, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư TPHCM để hoàn thành tất cả các công việc chuẩn bị, đáp ứng những điều kiện cần và đủ, phục vụ yêu cầu thi công dự án Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma”.
Ông Nguyễn Hòa - UVBCH Tổng LĐLĐVN - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, thành viên thường trực Ban quản lý dự án, cho biết: “Tất cả các loại thiết bị, vật tư trước khi đưa vào sử dụng đều được lấy mẫu, kiểm định theo tiêu chuẩn và đạt chất lượng, được tư vấn giám sát cho phép sử dụng. Các hạng mục nén tĩnh, thử PDA, siêu âm theo quy phạm hiện hành đều có kết quả theo đúng tính toán của hồ sơ thiết kế được duyệt. Điều cần ghi nhận là Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đã giải ngân rất kịp thời, đáp ứng mọi yêu cầu của ban quản lý dự án và các đơn vị thi công”.
Công trường thi công xây dựng Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma tại Khánh Hoà. Ảnh: THANH THÚY
Từ trái tim đến trái timTổng mức đầu tư công trình xấp xỉ 153 tỉ đồng, trong đó phần xây lắp, thiết bị khoảng gần 130 tỉ đồng, phần mỹ thuật tượng gần 22 tỉ đồng. Đến thời điểm này, hầu hết nhà thầu đã hoàn thành từ 35-100% khối lượng công việc; duy nhất chỉ còn gói thầu thi công hệ thống chiếu sáng toàn khu tưởng niệm đang triển khai. “Dự án hiện đang trong giai đoạn thi công khẩn trương với sự tham gia của 13 nhà thầu và gần 100 cán bộ, kỹ sư, công nhân. So với tiến độ đã đề ra, các đơn vị thi công phần ngầm đảm bảo thời gian dự kiến. Riêng phần tượng đài, do có sự điều chỉnh thiết kế và khối lượng (tăng chi tiết nhóm tượng) nên có chậm so với kế hoạch, song đơn vị thi công đã cam kết đảm bảo đến ngày 25.4 sẽ đưa đế, tượng lên vị trí” - ông Nguyễn Hòa cho biết thêm.
Theo thiết kế đã được duyệt, không gian kiến trúc khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được bố cục gồm 2 phần chính, khu tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” được xem là “trái tim” của công trình. Nghệ nhân Lâm Quang Nới cùng với vợ là KTS Nguyễn Thị Liễu đã dồn tâm huyết và trút hết “gan ruột” cho tác phẩm nghệ thuật “Những người nằm lại phía chân trời”. Nghệ nhân Lâm Quang Nới: “Nhiều tháng qua, hơn 20 nghệ nhân tạc tượng đến từ Ninh Bình đã ăn ngủ tại công trường.
Mặc dù điều kiện làm việc rất khắc nghiệt, thời tiết nắng nóng, không có bóng cây xanh và thiếu nước nhưng mọi người đều say sưa, nhiệt tình thể hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Chúng tôi sẽ hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật như đã cam kết. Ngày 25.4 sắp tới sẽ thi công phần đế tượng và trong vòng 60 ngày tiếp theo sẽ hoàn chỉnh chi tiết phần tượng theo đúng thiết kế”.
Từ trái tim đến với trái tim dường như không còn khoảng cách. Hình tượng người chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh nhưng vẫn chắc tay giữ vững lá cờ tổ quốc trên đảo Gạc Ma ngày 14.3.1988 đã hiện hình. Bán đảo Cam Ranh lồng lộng gió, sóng biển dào dạt, quấn quýt… thổi hồn vào những khối đá granit. Lặng lẽ đo vẽ, đục, chạm… từng thớ đá và lắng nghe tiếng biển vọng về, những người thợ khắc chăm chú làm việc theo mệnh lệnh của trái tim.
Một nghệ nhân người họ Đinh quê gốc Hoa Lư (Ninh Bình) - chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ đến Trường Sa, nhưng cha tôi là cựu chiến binh, tôi rất hiểu những hy sinh lớn lao của những người lính và cả những người không bao giờ ra trận nhưng có thân nhân là bộ đội. Được tham gia đóng góp cho công trình ý nghĩa này, dẫu phải xa gia đình và làm việc căng thẳng, mệt nhọc nhưng chúng tôi động viên nhau cố gắng tập trung để có thể gửi gắm tâm hồn, tình cảm của mình qua từng đường nét, chi tiết”.
Biểu dương tinh thần làm việc của tất cả những người có mặt trên công trường, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh: “Đây là công trình của lòng dân, do đoàn viên công đoàn, cùng với nhiều doanh nghiệp và người dân cả nước đóng góp để thể hiện lòng tri ân đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của tổ quốc, vì vậy các đơn vị thi công, giám sát… phải đảm bảo chất lượng cao nhất. Ban quản lý dự án và các đơn vị tư vấn, giám sát cũng như các nhà thầu phải làm tốt công tác an toàn lao động, áp dụng các giải pháp che chắn chống lún sụt và bảo vệ sức khỏe cho công nhân lao động; phấn đấu đến ngày 27.7 hoàn thành giai đoạn 1 và tiếp tục triển khai mở rộng diện tích thêm 2,5ha về phía biển như ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, đồng thời gấp rút thi công giai đoạn 2”.
Báo Lao động
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn