Ngày 22/7/2016, tại phòng họp Tòa nhà Viễn thông tỉnh Điện Biên, lãnh đạo Liên đoàn lao động tỉnh Điện Biên và lãnh đạo LĐLĐ các huyện, thị, thành phố, Công đoàn ngành, Công đoàn viên chức tỉnh, chuyên viên các Ban Chính sách pháp luật; Ban Tuyên giáo, nữ công LĐLĐ tỉnh tham dự Hội nghị trực tuyến do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức giữa đầu cầu TLĐLĐVN tại Hà Nội và 63 đầu cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại Hội nghị này các đại biểu được tiếp thu 02 nội dung chính đó là:
Thời cơ và thách thức của tổ chức Công đoàn khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP; Những vấn đề cơ bản của Luật ATVSLĐ và quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác ATVSLĐ, các nghị định hướng dẫn Luật ATVSLĐ.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch TLĐ LĐVN Mai Đức Chính đã cung cấp những thông tin cơ bản về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi được Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn, Hiệp định TPP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay và được kỳ vọng sẽ là một mô hình mới cho hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại và đầu tư.
Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức như sức ép cạnh tranh khi xuất khẩu nông sản, khó khăn cho các ngành công nghiệp hay các doanh nghiệp không có sự bao cấp của nhà nước, khó cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế. Đặc biệt, việc gia nhập TPP còn tác động rất lớn lên các tổ chức công đoàn địa phương, Công đoàn ngành và Công đoàn tại các doanh nghiệp ở Việt Nam với các quy định cụ thể liên quan đến lao động và công đoàn.
Trong Hiệp định, vấn đề đảm bảo quyền lợi của người lao động (NLĐ) ngày càng được coi trọng, trên cơ sở cách tiếp cận NLĐ là người trực tiếp làm ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ … nên họ phải là người được hưởng lợi, được đảm bạo quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản. Đồng thời, nội dung TPP còn hướng tới cho phép có nhiều tổ chức công đoàn cùng hoạt động dựa trên nhu cầu thực tế của NLĐ.
Về vấn đề này, đồng chí Mai Đức Chính nhấn mạnh, tổ chức công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội được quy định tại điều 10 của Hiến pháp. Vì thế, các tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khác của NLĐ được thành lập sau TPP phải tuân thủ các quy định của Nhà nước, đồng thời đây chỉ là những tổ chức nghề nghiệp, không hoạt động chính trị và được gọi chung là “tổ chức của NLĐ ở cấp cơ sở”.
Trong thời gian buổi chiều các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng cục ATLĐ Bộ LĐTB&XH triển khai nội dung về "Những vấn đề cơ bản của Luật ATVSLĐ và quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác ATVSLĐ, các nghị định hướng dẫn Luật ATVSLĐ".
Đặng Sang - Ban Tuyên giáo, nữ công LĐLĐ tỉnh