Phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” là một bộ phận cấu thành trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đây cũng là một trong những giải pháp lớn, được đề ra nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Giải bóng chuyền hơi CNVCLĐ lần thứ II, năm 2024
Nhận thức được tầm quan trọng của việc triển khai, thực hiện xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa là một trong những phong trào thi đua thiết thực góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” những năm qua, phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể, nhất là các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh Điện Biên chú trọng chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện.
Các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đến CNVCLĐ; hướng dẫn triển khai xây dựng chuẩn mực ứng xử, giao tiếp của cán bộ, viên chức gắn với thực hiện cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động.
Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn về các quy định của pháp luật với hàng trăm nghìn lượt người tham dự; phối hợp cùng Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) ở 100% cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp; hằng năm, có 98% CĐCS phối hợp tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, 81% CĐCS tổ chức Hội nghị người lao động; 80,1% CĐCS doanh nghiệp đã thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể; hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp Nhà nước được các cấp công đoàn thường xuyên chú trọng và củng cố, góp phần ngăn chặn tiêu cực, vi phạm chính sách, tham gia giải quyết những vấn đề tồn đọng và nảy sinh. Phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện thường xuyên có nền nếp hơn.
100% các CĐCS tổ chức các hoạt động phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, hàng năm thu hút được trên 50 đôi tham gia với gần 500 vận động viên, diễn viên như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng; giải bóng chuyền Công - Nông - Binh; giải cầu lông công nhân, viên chức, lao động; giải bóng chuyền hơi công nhân, viên chức, lao động. Đặc biệt một số đơn vị đã ứng dụng chức năng của facebook, tổ chức hoạt động văn hóa qua các cuộc thi rất hiệu quả, lan tỏa mạnh mẽ trong CNVCLĐ như thi “Áo dài qua ảnh”, “Clip tập thể dục giữa giờ”, “Clip duyên dáng áo dài Việt”, “Nét đẹp Hoa Ban" trong các CĐCS…
Kết quả thực hiện phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, toàn tỉnh hằng năm có từ 90% trở lên đạt chuẩn. Năm 2023 có 444 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh ra quyết định công nhận đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 02 năm (2022-2023) và giai đoạn 05 năm (2019-2023).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm thực hiện, còn coi đó là nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; các hoạt động văn hóa, thể thao cho CNVCLĐ, đặc biệt là CNLĐ tại các doanh nghiệp còn chưa hoạt động thường xuyên. Bên cạnh đó, với sức ép công việc, CNVCLĐ có ít thời gian để tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá” trong thời gian tới, các cấp công đoàn tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là: Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trong CNVCLĐ về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào “CBCCVC thi đua thực hiện văn hóa công sở", “Văn hóa trong doanh nghiệp” các cuộc vận động của tổ chức Công đoàn như: Xây dựng người CBCCVC “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”, “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”, phong trào thi đua các chuyên đề “Văn hóa, Thể thao”, “Xanh – Sạch – Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”…
Hai là: Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp đối với hiệu quả, chất lượng việc thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp thực hiện quy trình bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa đảm bảo khách quan, dân chủ, chính xác theo đúng quy định tại Hướng dẫn số 58/HD-TLĐ, ngày 10/5/2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về triển khai thực hiện Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 28/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021 - 2026; Thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và quan tâm xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Ba là: Tổ chức phát động mạnh mẽ, sâu rộng toàn thể cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tích cực hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá, gia đình văn hoá, tích cực tham gia xây dựng nếp sống văn minh; nâng cao chất lượng, nề nếp sinh hoạt cơ quan; sắp xếp hồ sơ, văn bản gọn gàng, ngăn nắp, đồng bộ; thực hiện tốt nội quy, quy chế làm việc, quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị; nội bộ đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ phát triển.