Các cấp Công đoàn tỉnh Điện Biên với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở đồng cấp, trong 05 năm qua đã tham gia xây dựng nhiều văn bản về thực hiện QCDC, trong đó LĐLĐ tỉnh đã ban hành 19 văn bản chỉ đạo các cấp Công đoàn trực thuộc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị. Các cấp Công đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ, trong đó chủ trì 160 cuộc, phối hợp giám sát 376 cuộc, từ đó đã góp phần thực hiện thắng lợi Nghị định 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 và Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ.
Dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền và sự đoàn kết, thống nhất giữa các cấp Công đoàn nên chất lượng thực hiện QCDC cơ sở ngày càng được nâng lên rõ rệt, các cấp công đoàn đã phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động (NSDLĐ) tuyên truyền đến CNVCLĐ về thực hiện QCDC cơ sở dưới nhiều hình thức như tổ chức Hội nghị CBCCVC; Hội nghị người lao động; Đối thoại trực tiếp, gián tiếp giữa NSDLĐ và người lao động (NLĐ); tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí cho NLĐ,… làm cho mỗi bên trong quan hệ lao động và toàn xã hội biết, hiểu và thực hiện có hiệu quả QCDC cơ sở, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tạo sự đồng thuận trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội. Qua đó, kiến nghị với NSDLĐ, các cơ quan chức năng phối hợp giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến đoàn viên, CNVCLĐ.
Năm 2020, có 931/932 (99,9%) CĐCS các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập phối hợp với chuyên môn tổ chức Hội nghị CBCCVC, 39/50 doanh nghiệp tổ chức Hội nghị NLĐ và ký kết Thỏa ước lao động tập thể đạt 78%; có 35/50 doanh nghiệp xây dựng quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc đạt 70%; thành lập 941 Ban Thanh tra nhân dân.
Ảnh ký kết giao ước thi đua tại Hội nghị cán bộ công chức, người lao động cơ quan LĐLĐ tỉnh
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở vẫn còn có những hạn chế nhất định như: việc tuyên truyền các văn bản liên quan đến xây dựng và thực hiện QCDC cơ sở chưa thường xuyên. Việc phối hợp với người sử dụng lao tại một số doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước) trong triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở chưa được quan tâm thực hiện theo đúng quy định. Chất lượng tổ chức Hội nghị CBCC ở đơn vị hành chính sự nghiệp và Hội nghị NLĐ ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa cao, nhất là các đơn vị có số lượng đoàn viên ít, chưa đảm bảo được đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật, chưa đảm bảo tiến độ thời gian, việc xây dựng TƯLĐTT chủ yếu là sao chép luật, ít những quy định có lợi hơn cho NLĐ…
Để QCDC ở cơ sở đi vào thực chất và đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, các cấp Công đoàn cần không ngừng đổi mới cả nội dung và phương thức hoạt động, cụ thể:
Trước hết, Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, văn bản của Đảng, Chính quyền các cấp, Công đoàn cấp trên về thực hiện QCDC; tuyên truyền mục đích ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện QCDC trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, gắn với việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với đoàn viên, CNVCLĐ.
Thứ hai, Tăng cường phối hợp với chuyên môn trong thực hiện QCDC, phát huy quyền làm chủ tập thể, tính tích cực, chủ động sáng tạo của đoàn viên, người lao động và vai trò đại diện của tổ chức Công đoàn. Gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với việc tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; “Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Thứ ba, Kịp thời kiện toàn, củng cố cán bộ Công đoàn các cấp, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở. Phân công cán bộ có tâm huyết, có uy tín, có năng lực tham gia Ban Chấp hành, Ban Chỉ đạo; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Công đoàn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ tư, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở, chú trọng trong các doanh nghiệp. Thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, lĩnh vực, đặc biệt đề cao việc tự kiểm tra của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Kịp thời chấn chỉnh chững tồn tại, hạn chế, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của cán bộ, CNVCLĐ.
Thứ năm, Quan tâm sâu sát cơ sở, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong nội bộ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Chú trọng công tác kiểm tra, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Định kỳ sơ, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện QCDC ở cơ sở; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Kết luận 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị./.
Tuấn Vũ - Văn phòng LĐLĐ tỉnh