Liên đoàn Lao động Thành phố trao quà cho các cá nhân đạt giải nhất hội thi Giáo viên dạy giỏi Thành phố Điện Biên Phủ năm học 2017- 2018
Hiện nay, LĐLĐ Thành phố có 01 Ban nữ công Công đoàn cấp trên cơ sở và 50 Ban nữ công quần chúng với 1.761 nữ CNVCLĐ, chiếm tỷ lệ 62,2% so với tổng số CNVCLĐ; trong đó: Số nữ giữ chức vụ giám đốc, phó giám đốc, trưởng, phó các phòng, ban, đoàn thể thành phố, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND các cấp là 92 người; Nữ đảng viên 784 đ/c, tỷ lệ 61% so với tổng số đảng viên; Nữ có trình độ trên đại học 7 người; đại học 799 người; cao đẳng 240 người, trung cấp 282 người.
Trong những năm qua, nhận thức rõ tầm quan trọng của phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, Ban thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố đã bám sát sự chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh để tiếp tục triển khai phong trào đến các công đoàn cơ sở, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện phong trào thi đua“Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, việc phát động luôn gắn với phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...Hàng năm các công đoàn cơ sở đã phát động và tổ chức cho nữ CNVCLĐ đăng ký danh hiệu thi đua, tiến hành đánh giá kết quả thực hiện, gắn với việc bình xét danh hiệu thi đua tại cơ sở, kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào và lựa chọn các điển hình tiên tiến đề nghị công đoàn cấp trên khen thưởng.
Trong công tác chỉ đạo đều gắn với việc tổ chức quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt tuyên truyền và triển khai thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 03/CT- TLĐ ngày 18/8/2010 của Tổng LĐLĐ VIệt Nam về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ; Nghị quyết 11- NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước”; Nghị quyết 6b/NQ- TLĐ ngày 29/01/2011 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ CNH-HĐH đất nước”; Giáo dục truyền thống phụ nữ Việt Nam, nâng cao kiến thức pháp luật, về dân số KHHGĐ-sức khoẻ sinh sản, phòng chống các tệ nạn xã hội; các kiến thức nuôi dạy con, nữ công gia chánh, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của nữ CNVCLĐ.
Năm 2017, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” tiếp tục được nữ CNVCLĐ Thành phố sôi nổi hưởng ứng, trên từng lĩnh vực công tác, nữ CNVCLĐ đã không ngừng học tập nâng cao trình độ, khắc phục mọi khó khăn, phát huy tính sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, các Công đoàn cơ sở đã cụ thể hóa nội dung thi đua phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phong trào thi đua “Giỏi việc nước”, nữ CNVCLĐ trong lĩnh vực công tác Đảng, đoàn thể và quản lý Nhà nước, với chức năng và nhiệm vụ của mình, nữ cán bộ công chức, viên chức đã thực hiện tốt nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị đề ra, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền, chuyên môn tổ chức các hoạt động với nhiều nội dung, biện pháp thiết thực,đi đầu trong phong trào cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức“Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”.Nhiều chị đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Trong lĩnh vực sự nghiệp: Phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” ở các CĐCS khối trường học tiếp tục có sức lan tỏa, ngày càng có chiều sâu, phát huy được phẩm chất tốt đẹp của nữ cán bộ, giáo viên trong các hoạt động giáo dục, đào tạo, khẳng định được vị thế của nữ cán bộ, giáo viên trong sự nghiệp trồng người. 100% nữ cán bộ giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn theo quy định. Hàng năm, tỷ lệ giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh và Thành phố là 40%; có 128 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận góp phần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học. Đối với nữ cán bộ, công nhân viên ngành Y, các chị đã không ngừng học tập, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, thực hiện 12 điều y đứctheo chuẩn mực“Lương y như từ mẫu” và cuộc vận động “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”,nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế, góp phần củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh; Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các chị luôn chấp hành tốt kỷ luật lao động, có tác phong lao động công nghiệp, trình độ kỹ thuật, làm việc đạt năng suất, chất lượng cao, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, tăng năng suất lao động. Trên cương vị là người quản lý, điều hành, các chị đã không ngừng rèn luyện nâng cao năng lực, năng động, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Năm 2017, thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đã có 106 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng vào quá trình công tác, sản xuất, quản lý kinh tế, cải cách hành chính. Có 106chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 1.611 chị đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; trên 90% nữ CNVCLĐ được công nhận danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.Hàng năm có trên 90% gia đình nữ CNVCLĐ đạt gia đình văn hóa.Tiêu biểu như các chị Chử Thị Thủy, Cao Thị Đại, Lý Thị Hoa, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Thủy … thuộc các Công đoàn cơ sở: Văn phòng HĐND-UBND Thành phố, trường THCS Him Lam, Thanh tra-Tư pháp Thành phố, Công ty cổ phần sản xuất vật liệu và xây dựng, Trung tâm Y tế Thành phố.
Ngoài công việc chuyên môn các chị còn tham gia tích cực các phong trào văn hoá, văn nghệ, TDTT, tham gia các cuộc thi, hội thi...; tham gia tích cực các hoạt động nhân đạo từ thiện như:Ủng hộ quỹ “vì người nghèo”, quỹ “đền ơn đáp nghĩa”, quỹ khuyến học, quỹ bảo trợ trẻ em, quỹ “Mái ấm Công đoàn”...với tổng số tiền là 630.507.000 đồng.
Không chỉ năng động, giỏi giang trong công tác chuyên môn, nữ CNVCLĐ còn khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. “Đảm việc nhà” là một trong những đức tính tốt đẹp đã trở thành truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Đó cũng là yêu cầu, là điều kiện và cơ sở để chị em xây dựng gia đình hạnh phúc, phấn đấu “Giỏi việc nước”, phát huy chuẩn mực của phụ nữ Việt Nam “Năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang”. Do đó, việc cân bằng hai chức năng gia đình và xã hội đối với nữ CNVCLĐ là rất quan trọng. Trong gia đình, các chị đã thực sự giữ vai trò là người xây tổ ấm, xây dựng mối quan hệ gia đình gắn bó, bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình. Nhiều chị, dù ngoài xã hội đảm nhiệm cương vị lãnh đạo nhưng về gia đình vẫn là dâu hiền, vợ đảm, người mẹ mẫu mực nuôi con khỏe, dạy con ngoan, học giỏi. Có nhiều chị là tấm gương sáng đã vượt qua mọi khó khăn, vất vả, chăm sóc cha mẹ già, chồng con ốm đau, bệnh trọng nhưng vẫn đảm nhiệm tốt công việc xã hội. Trong điều kiện thu nhập và đồng lương còn khó khăn, song nhiều chị đã tổ chức sắp xếp cuộc sống gia đình, cùng chồng con phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Từ những kết quả trên, chúng ta khẳng định phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” là một phong trào thi đua phù hợp tính chất về giới, góp phần tạo được những bước chuyển biến quan trọng để chị em phát huy phẩm chất và năng lực của mình. Phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" ngày càng khẳng định được ý nghĩa to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước, trở thành động lực phấn đấu của nữ CNVCLĐ. Song song với việc phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác, phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" còn giúp chị em thi đua tổ chức, sắp xếp các hoạt động gia đình một cách khoa học theo tiêu chí “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, xứng đáng là người phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong giai đoạn hiện nay.
Hoàng Thái - LĐLĐ Thành phố ĐBP