Xác định tầm quan trọng trong công tác thu tài chính công đoàn hiện nay. Ban thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện thu tài chính theo chỉ tiêu Tổng liên đoàn giao trong dự toán tài chính công đoàn năm 2017. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh đã ban hành phương án phân cấp quản lý tài chính cho các Liên đoàn Lao động huyện (Công đoàn cấp trên cơ sở). Đặc biệt, giao dự toán thu tài chính công đoàn, đây là cơ sở để đánh giá hiệu quả hoạt động phối hợp giữa Liên đoàn Lao động huyện với cơ quan Tài chính và Kho bạc Nhà nước. Tuy phương án phân cấp và giao dự toán thu ban hành muộn hơn so với dự kiến nhưng một số Liên đoàn Lao động huyện đã chủ động phối hợp với cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước triển khai công tác thu ngay từ đầu năm. Đặc biệt phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện để nắm chắc quỹ lương tính đóng kinh phí công đoàn (KPCĐ).
Bên cạnh đó, chỉ đạo các ban chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ quản lý cơ sở, hướng dẫn nghiệp vụ, đối chiếu, theo dõi chi tiết các đơn vị đóng kinh phí công đoàn, trên cơ sở đó xác định số kinh phí cấp cho CĐCS hoạt động sau khi đã trừ đi đoàn phí CĐCS phải nộp lên công đoàn cấp trên theo quy định phân phối của Tổng liên đoàn.
Tính đến hết tháng 10, thu kinh phí công đoàn đạt 74% dự toán, một số LĐLĐ huyện đạt trên 75% so với dự toán giao như LĐLĐ huyện: Mường Ảng, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ và khối CĐCS cơ quan trực thuộc tỉnh. Qua đó thấy rằng các LĐLĐ huyện đã thực sự gắn trách nhiệm của mình trong công tác thu kinh phí công đoàn. Kết quả trên đã đánh giá được công tác chỉ đạo, triển khai đã có hiệu quả công tác thu tài chính năm 2017 của các cấp công đoàn.
Tuy nhiên, thu KPCĐ và đoàn phí công đoàn (ĐPCĐ) đối với khu vực doanh nghiệp chưa triệt để, tỷ lệ thu rất thấp có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thu không đạt dự toán nhưng nguyên nhân chính vẫn là thiếu sự kiểm tra, đôn đốc.
Trong quy định phân phối tài chính công đoàn hiện nay, mặc dù thu tăng nhưng tỷ lệ phân phối cho hoạt động của CĐ cấp trên cơ sở giảm đi, nếu như trước tỷ lệ phân phối nguồn thu với công đoàn cấp trên cơ sở là 1,3% và công đoàn cơ sở là 1,7% (của 2% KPCĐ, 1% ĐPCĐ) thì đến nay công đoàn cấp trên chỉ còn 1,1%. Điều đó cho thấy, nguồn kinh phí chi hoạt động của công đoàn cấp trên đang dần bị thu hẹp, chỉ có thu kinh phí và ĐPCĐ một cách triệt để mới có đủ nguồn để chi hoạt động. Đối với đơn vị HCSN thì việc thu KPCĐ không thể nói là khó khăn bởi nguồn đóng KPCĐ đã được NSNN ghi trong dự toán hàng năm của đơn vị. Khó khăn lớn nhất đó là thu KPCĐ ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa có tổ chức công đoàn, Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết về tài chính công đoàn ghi rõ đối tượng đóng KPCĐ bao gồm " Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư" không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay ngoài nhà nước, có tổ chức công đoàn hay chưa? đều là đối tượng đóng KPCĐ. Tuy nhiên, để tiếp cận, tuyên truyền, thuyết phục các doanh nghiệp này đóng KPCĐ theo Nghị định của Chính phủ không dễ, trong khi chưa có một chế tài nào xử phạt các doanh nghiệp trốn đóng KPCĐ. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã có tổ chức công đoàn (trừ doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa) hầu hết chưa thực hiện đóng KPCĐ do nhiều yếu tố như không có việc làm, nhà nước nợ tiền công trình và nhiều lý do khác, có những doanh nghiệp đã được kiểm tra lập biên bản truy thu nhưng...không có tiền để đóng.
Để thực hiện được chỉ tiêu phát triển đoàn viên trong Nghị quyết đại hội X công đoàn tỉnh đặt ra. Trong năm, Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh đã có những cuộc họp chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể, thành lập Ban chỉ đạo chương trình phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS khu vực ngoài nhà nước.
Từ nay đến hết năm 2017, dự toán thu tài chính công đoàn phấn đấu vượt chỉ tiêu 10% - 12%. Muốn vậy, các cấp công đoàn cần tập trung, tăng cường hoạt động phối hợp với cơ quan Tài chính, Kho bạc nhà nước, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện đóng KPCĐ, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Cần có giải pháp thực hiện nhiệm vụ vừa cụ thể vừa mang tính lâu dài, Ban chuyên môn chủ động tham mưu, xây dựng chương trình phối hợp với cơ quan Thuế, BHXH. Kế toán công đoàn phải tự nghiên cứu Luật Kế toán, Luật Công đoàn, Luật Lao động…. hệ thống các văn bản, hướng dẫn của nhà nước và Tổng liên đoàn để vận dụng tham mưu cho thủ trưởng đơn vị quản lý điều hành. Đồng thời, phải thực hiện đúng quy trình theo dõi kế toán. Lập sổ sách đúng quy định, gắn vai trò, trách nhiệm của kế toán trong việc quản lý tài chính công đoàn.
Hy vọng rằng khó khăn chỉ là tạm thời nếu các cấp công đoàn và mỗi cán bộ chuyên trách công đoàn cùng đồng tâm, hợp lực thực hiện tốt công tác thu tài chính công đoàn, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời để phục vụ tốt hơn nữa hoạt động của tổ chức công đoàn và phong trào CNVCLĐ trong tỉnh.
Ban Tài chính LĐLĐ tỉnh