Trang thông tin điện tử

https://congdoandienbien.org.vn


Công đoàn Việt Nam 87 năm xây dựng và phát triển (28/7/1929 - 28/7/2016)

Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời trong quá trình tư bản Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ I (từ năm 1897 đến 1914).
           Sự hình thành các khu công nghiệp như: khu mỏ Quảng Ninh, sản xuất công nghiệp ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Nam Định, Vinh - Bến Thuỷ... tập trung với số lượng lớn công nhân. Những năm 1914-1925, để phục vụ cho chiến tranh, thực dân Pháp tăng cường bóc lột công nhân, tăng thời gian làm việc, chậm trả lương, nâng cao định mức khoán việc, nên phong trào đấu tranh của công nhân phát triển mạnh, các cuộc đấu tranh có tính tự phát đến tăng cường dùng lý lẽ, đấu tranh có tổ chức. Các cuộc đấu tranh của công nhân trong năm 1926-1927 có hai đặc điểm mới: Đấu tranh đòi tăng lương nhất loạt và đấu tranh đòi ngày làm tám giờ. Điều này chứng tỏ phong trào công nhân có bước phát triển mạnh mẽ, từ chỗ đấu tranh buộc chủ phải thực hiện những điều quy định trong giao kèo, tiến lên đấu tranh chống lại các hình thức áp bức, bóc lột của giới chủ; ý thức giai cấp, tính tổ chức và tình đoàn kết trong đấu tranh của giai cấp công nhân ngày càng tiến bộ.
 
07072016 135332

          Trước sự bóc lột thậm tệ và đàn áp dã man của tư bản thực dân, công nhân nước ta đã tự tổ chức nhau lại để đấu tranh, giành và bảo vệ quyền lợi thiết thân. Hội Ái hữu được thành lập theo Quyết định của Thống sứ Bắc Kỳ vào năm 1906. Hội Ái hữu những người lao động chân tay Đông Dương ở Pháp thành lập vào tháng 12/1922 chủ yếu là người Bắc Kỳ. Thuỷ thủ Việt Nam cũng lập ra Công hội thuỷ thủ, một tổ chức có khuynh hướng cộng sản. Năm 1925 có thêm Hội những người lao động trí óc Đông Dương; năm 1927 ở Mác-xây, thuỷ thủ lập ra Hội bênh vực lao động An Nam. Vấn đề thống nhất tổ chức và hành động giữa các Hội công nhân đã trở nên cấp thiết. Hội sinh viên cùng đại biểu các tổ chức thuỷ thủ, lao động trí óc họp ở Mácxây thống nhất thành lập tổ chức chung là Hội liên hiệp lao động Đông Dương. Tiêu biểu nhất là sự ra đời của Công hội Ba Son do Tôn Đức Thắng thành lập. Nhờ tiếp thu, vận dụng kinh nghiệm đấu tranh của công nhân thế giới nên giai cấp công nhân Việt Nam đã rút ngắn thời kỳ đấu tranh tự phát để sớm tiến lên trình độ tự giác. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và phong trào yêu nước đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của tổ chức Đảng để đưa phong trào tiếp tục đi lên. Tháng 3/1929, một số hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kỳ đã họp tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội, thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Ngày 17/6/1929, đại biểu từ các tổ chức Cộng sản được thành lập ở các tỉnh Bắc Kỳ đã họp tại số nhà 312 Khâm Thiên, Hà Nội, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng.
          Quá trình hình thành và ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn liền với tên tuổi và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Những năm tháng hoạt động trong phong trào công nhân và Công đoàn Quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu hình thức tổ chức Công đoàn ở các nước tư bản, thuộc địa và nửa thuộc địa. Từ đó rút ra kinh nghiệm hoạt động Công đoàn nói chung và hình thức tổ chức cho Công đoàn Việt Nam nói riêng. Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh”, Người viết: "Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới". Quá trình Người chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập một chính Đảng vô sản cũng là quá trình Người xây dựng cơ sở lý luận và biện pháp tổ chức Công đoàn Cách mạng.
          Ngày 28/7/1929, theo quyết định của Đông Dương Cộng sản Đảng  đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị đại biểu Công hội đỏ Bắc Kỳ lần thứ I, họp tại số 15 Hàng Nón, Hà Nội. Tới dự Hội nghị có đại biểu Tổng công hội các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Đông Triều - Mạo Khê. Hội nghị đã nhất trí thông qua chương trình,  điều lệ và phương hướng hoạt động của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ và bầu ra Ban Chấp hành lâm thời do Nguyễn Đức Cảnh phụ trách và các uỷ viên Trần Hồng Vận, Trần Văn Các, Nguyễn Văn Đoãi, Nguyễn Huy Thảo… Đại hội quyết định xuất bản báo “Lao động” làm cơ quan thông tin, tuyên truyền và tạp chí “Công hội đỏ” làm cơ quan truyền bá lý luận của Công hội đỏ trong giai cấp công nhân. Tổng công hội đỏ Bắc Kỳ là tổ chức duy nhất ở cấp xứ, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
          Ngày 3/2/1930, được sự uỷ nhiệm của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện này là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Việc Đảng Công sản Việt Nam ra đời tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào công nhân phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
           Ngày 3/2/1930, được sự uỷ nhiệm của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện này là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Việc Đảng Công sản Việt Nam ra đời tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào công nhân phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Công đoàn Việt Nam 87 năm xây dựng trưởng thành và phát triển đã trải qua bốn thời kỳ hoạt động: Hoạt động công đoàn giai đoạn đoạn 1930-1945, trong suốt quá trình hoạt động, dù cho tên gọi khác nhau: Công hội đỏ, Hội Ái hữu, Hội công nhân phản đế, Hội Công nhân cứu quốc; hình thức hoạt động lúc bí mật, lúc công khai, dù chưa có điều kiện thống nhất tổ chức trong cả nước, nhưng được sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng cộng sản Đông dương, Công đoàn Việt Nam thật sự là trung tâm đoàn kết của công nhân lao động Việt Nam. Từ 6.000 đoàn viên năm 1930, năm 1945 số đoàn viên đã lên tới hơn 200.000 người, đóng vai trò to lớn trong việc giành chính quyền ở các trung tâm đô thị, các khu công nghiệp  trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945.
          Hoạt động công đoàn trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Đầu năm 1946, Hội nghị đại biểu công nhân cứu quốc đã quyết định chuyển Hội công nhân cứu quốc thành Công đoàn. Ngày 20/7/1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chính thức ra mắt với hơn 20 vạn đoàn viên. Từ khi thành lập đến năm 1954, Công đoàn Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết, phát huy được vai trò tiên phong và lực lượng nòng cốt của giai cấp công nhân vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, đấu tranh kiên cường, cùng nhân dân cả nước vùng lên làm Cách mạng tháng Tám thắng lợi, lật đổ ách thống trị của bọn phát xít, thực dân, phong kiến tay sai, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã sát cánh cùng nhân dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Công đoàn Việt Nam đã động viên công nhân, viên chức lao động cả nước xây dựng nhà máy, công xưởng, sản xuất vũ khí, khí tài, phục vụ chiến đấu lâu dài; vận động công nhân, viên chức, lao động tích cực tham gia trên mặt trận giao thông vận tải; sản xuất lương thực, thực phẩm, thực hành tiết kiệm, phục vụ nhân dân và bộ đội trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Công đoàn Việt Nam đã góp phần tích cực vào chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc vẻ vang 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hy sinh, gian khổ và anh dũng của dân tộc Việt Nam.
          Hoạt động Công đoàn Việt Nam thời kỳ 1954-1975. Tháng 9/1957, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thông qua Luật Công đoàn. Luật quy định rõ vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức công đoàn, mối quan hệ giữa công đoàn và các cơ quan xí nghiệp tư bản tư doanh; những phương tiện hoạt động của công đoàn. Trong 10 năm (1965-1975), hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ công đoàn tiếp tục được củng cố và phát triển. hời kỳ này, Công đoàn Việt Nam đã tổ chức hai kỳ đại hội: Đại hội lần thứ II đã họp từ ngày 23-27/2/1961, Đại hội lần thứ III Công đoàn Việt Nam đã họp từ ngày 11-14/2/1974. Thời kỳ này tổ chức Công đoàn Việt Nam đã  được xây dựng, củng cố phù hợp với yêu cầu mới, bước đầu phát huy được vai trò của mình trong việc tập hợp, vận động công nhân, viên chức tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển nền kinh tế ở miền Bắc, vừa sản xuất, bảo vệ sản xuất, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu với tinh thần "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", “Tất cả cho tiền tuyến”, đã xuất hiện nhiều gương cá nhân, tập thể điển hình, tiên tiến, những cá nhân và đơn vị anh hùng tiêu biểu cho phong trào thi đua “tay búa, tay súng”, “thanh niên ba sẵn sàng”, “phụ nữ ba đảm đang”.
          Hoạt động công đoàn thời kỳ 1975-2015, trong giai đoạn này Công đoàn Việt Nam đã tiến hành tổ chức 8 kỳ Đại hội, Đại hội đã đề ra phương châm hành động cho các cấp công đoàn là: “Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn”; xác định mục tiêu, phương hướng "Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo hướng vì đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước; hướng mạnh về cơ sở, thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; nâng cao chất lương công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và tổ chức thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
          Tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế sâu rộng đã làm cho giai cấp công nhân Việt Nam có nhiều biến đổi về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Xây dựng giai cấp công nhân thành lực lượng đi đầu đẩy mạnh CNH, HĐH là nhiệm vụ cấp bách, một hướng trọng tâm trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Đó cũng là nhiệm vụ nặng nề đặt ra cho Công đoàn Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Công đoàn đã vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vị thế của tổ chức công đoàn trong xã hội từng bước được nâng lên. Quan hệ quốc tế của Công đoàn Việt Nam từng bước được mở rộng. Đội ngũ CNVCLĐ nước ta đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng và quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo, nỗ lực vươn lên trong lao động và công tác... giữ vai trò quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, xứng đáng là giai cấp lãnh đạo cách mạng, lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước
.


                                                                                                                         Vũ Thị Tươi
                                                                                                 Trưởng Ban Tuyên giáo, nữ công LĐLĐ tỉnh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây